Trần Hiền Ly đã đăng lúc 16:49 - 28.10.2024
Trong nhiều cuộc họp, khi báo cáo hoặc trình bày vấn đề, nếu không chỉ rõ sở cứ, thiếu số liệu, không có so sánh, các đơn vị hay cá nhân sẽ khó thuyết phục được lãnh đạo và người nghe. Thông tin đầu vào chưa đầy đủ, không chính xác sẽ gây lãng phí thời gian và không hiệu quả vì lãnh đạo, chỉ huy rất khó đưa ra kết luận cuối cùng.
Ở Viettel thường có 3 dạng họp:
Thứ nhất là cuộc họp nhằm tìm kiếm ý tưởng (Brainstorming). Ở cuộc họp này, ai cũng có thể trình bày ý kiến của mình, thậm chí không cần sở cứ vì chúng ta khuyến khích bàn luận để các ý tưởng va đập với nhau, từ đó tìm ra ý tưởng sáng tạo, đột phá.
Thứ hai là cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề. Ở cuộc họp này, mỗi người phải chuẩn bị thông tin, tư duy và phân tích sâu theo quy trình 5 bước: Chỉ ra vấn đề, tìm nguyên nhân, tìm giải pháp, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá.
Thứ ba là cuộc họp giao nhiệm vụ, tức là người chủ trì chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu bên dưới triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề, chúng ta quay lại tổ chức 2 dạng cuộc họp đầu tiên.
Viettel luôn khuyến khích mỗi cá nhân, mỗi đơn vị chủ động có tiếng nói, có ý kiến của mình trước mỗi vấn đề, mỗi tình huống. Tùy tính chất, đặc thù của mỗi dạng cuộc họp, chúng ta có cách tiếp cận, cách trình bày cho phù hợp và hiệu quả.
Khi thảo luận, CBNV có thể thoải mái nêu quan điểm, chia sẻ suy nghĩ, giải pháp của mình nhưng lưu ý rằng khi chỉ huy đã chỉ đạo kết luận thì cấp dưới cần nỗ lực thực hiện theo kết luận đã thống nhất. Đây cũng là minh chứng cho sự trung thành, tính kỷ luật của truyền thống và cách làm người lính.