Một số điểm mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (phần 2)

Đỗ Thị Minh Phương đã đăng lúc 14:30 - 27.12.2023

Các VDS-er hãy cùng theo dõi bài viết này để tìm hiểu một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 phần 2 nhé.

6. Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

  • Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (Điều 15): Tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sử dụng đồng ý của người tiêu dùng. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng;

  • Xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (Điều 16): Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng công khai theo hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng với các nội dung: (i) Mục đích thu thập thông tin; (ii) Phạm vi sử dụng thông tin; (iii) Thời hạn lưu trữ thông tin; (iv) Biện pháp bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng;

  • Thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng (Điều 17): Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp thông tin đã được người tiêu dùng công khai hoặc trường hợp khác theo quy định pháp luật;

  • Sử dụng thông tin của người tiêu dùng (Điều 18): Trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng thì phải thông báo lại và được người tiêu dùng đồng ý về việc thay đổi.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn cho phép hoặc không cho phép thực hiện các hành vi:

  • Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh, chuyển giao thông tin đã được thu thập phù hợp với quy định của pháp luật cho bên thứ ba lưu trữ hoặc phân tích phục vụ hoạt động kinh doanh và có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng;

  • Sử dụng thông tin của người tiêu dùng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có tính chất thương mại khác;

  • Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng (Điều 19);

  • Quyền của NTD gồm: Kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng (Điều 20).

a92b0318-ed91-441b-8b0a-051f13ab8ec5-istock-957125704

7. Quy định điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Luật bổ sung một số điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung:

  • Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;

  • Quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng;

  • Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt thực hiện hợp đồng;

  • Quy định người tiêu dùng phải đồng ý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là điều kiện để giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

  • Quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.

Với việc không quy định các điều khoản này, NTD sẽ được mở rộng quyền lợi của mình khi mua hàng, sử dụng dịch vụ với đơn vị cung ứng.

8. Các nội dung khuyến nghị và đề xuất để đảm bảo VDS tuân thủ quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

Các đơn vị cần tuân thủ các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 gồm:

  • Rà soát, điều chỉnh (nếu có) các Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân, Điều kiện điều khoản sử dụng dịch vụ trên các ứng dụng/website của VDS bao gồm nhưng không giới hạn Viettel Money, Bankplus, ViettelPay Pro, đảm bảo các văn bản đăng tải công khai áp dụng cho khách hàng tuân thủ đầy đủ hình thức và nội dung đúng quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;

  • Đánh giá, điều chỉnh (nếu có) chính sách, quy trình quy định nội bộ của VDS, đảm bảo việc ban hành quy trình, quy định không vi phạm quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;

  • Rà soát hệ thống, công cụ của VDS đang cung cấp cho Khách hàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Tiền gửi không cánh mà bay - Chủ thể nào chịu trách nhiệm

  • 59
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua