Viettel Money 'biết khách hàng' nhờ hiểu chính mình

Trần Hiền Ly đã đăng lúc 10:46 - 28.08.2024

Với các ứng dụng số, để có được giải pháp phù hợp, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ, việc xác định đâu là câu hỏi đúng, đâu là đề bài cần giải vô cùng quan trọng.

Khoảng 10.000 tỷ đồng là số tiền người dân Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023, theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an. Con số này thực tế chưa đầy đủ vì chỉ dựa trên những sự việc được người dân đến trình báo cơ quan công an, nhưng cũng đã tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, ban hành cuối tháng 12 năm ngoái và có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, có mục tiêu chính là ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ người dân khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. Theo đó, khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, người dùng cần phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng.

Giúp giao dịch an toàn hơn, nhưng yêu cầu mới cũng đòi hỏi người dùng thực hiện thêm thao tác, ảnh hưởng đến trải nghiệm. Theo thống kê trong tháng đầu tiên kể từ khi Quyết định 2345 có hiệu lực, tỷ lệ khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công trên các ứng dụng ngân hàng chỉ vào khoảng 50-60%.

Thế nhưng trường hợp của Viettel Money lại cho thấy một giải pháp xác thực đủ tin cậy và tiện dụng không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp tăng trải nghiệm của khách hàng. Hệ thống xác thực khách hàng điện tử Viettel eKYC tích hợp trên Viettel Money, đem lại tỷ lệ cập nhật sinh trắc học thành công trên 90%, đồng thời đem lại hàng loạt dịch vụ tài chính vốn không thể thực hiện trực tuyến trước đây.

Từ một yêu cầu khó với các dịch vụ tài chính số…

Khó khăn nhất trong xây dựng bài toán nghiệp vụ cập nhật thông tin sinh trắc học là việc hướng dẫn cho khách hàng biết cách đặt chip để máy điện thoại có thể đọc được dữ liệu từ thẻ căn cước công dân. Ở phía người dùng, đây là một yêu cầu mới và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách hàng đã có thẻ căn cước gắn chip NFC hay chưa, máy điện thoại có tính năng đọc NFC hay không, nếu có thì máy đã bật NFC chưa, vị trí đặt đầu đọc NFC ở các mẫu máy cũng khác nhau.

Để giải quyết vấn đề này, hệ thống cần chủ động nhận diện thiết bị sử dụng, cá thể hoá video và hình ảnh hướng dẫn khách hàng cách cập nhật thông tin tuỳ theo từng thiết bị.

Đồng thời, mô hình trí tuệ nhân tạo nhận diện và chống giả mạo có độ chính xác cao cho phép Viettel Money ghi nhận khuôn mặt khách hàng với tốc độ nhanh, không đòi hỏi nhiều thao thác rườm rà như cười, nháy mắt... Khách hàng chỉ cần đưa điện thoại ra trước mặt trong vòng vài giây.

anh15-1-16x9

Thực tế, với các ứng dụng số, để có được giải pháp phù hợp, sử dụng công nghệ phù hợp, xác định đúng vấn đề là vô cùng quan trọng. Để có thể nhìn được rõ đâu là thứ khách hàng thực sự cần và đánh giá cao, bản thân các nhà phát triển của Viettel Money đã trải qua không ít bài học “xương máu” trước đó.

Cách đây 6 năm, khi chính thức ra mắt vào cuối tháng 10/2018, dịch vụ Easy Vay của Viettel Money gặp nhiều bất lợi vì quy trình xác minh tài khoản quá nhiều bước. Khách hàng khi thực hiện đăng ký tài khoản cần phải ra xác thực trực tiếp tại cửa hàng, mất nhiều thời gian và công sức. Đây chính là một trong những lí do khiến khách hàng từ bỏ Easy Vay và lựa chọn những dịch vụ cho phép định danh trực tuyến khác.

Mặt khác, việc định danh tài khoản trực tiếp tiêu tốn của Viettel Money một nguồn nhân lực khổng lồ túc trực tại cửa hàng trên cả nước. Trong khi đó, những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo giấy tờ càng ngày càng tinh vi mà mắt thường không thể nhìn ra. Do đó, việc tiếp tục giải pháp định danh truyền thống (KYC) không còn phù hợp và an toàn.

“Nếu trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản Viettel Money, phải đến quầy giao dịch làm thủ tục. Họ cần khai vào một biểu mẫu 6 trang giấy, nộp ảnh chụp, photo giấy tờ tùy thân, ký mẫu… Rất nhiều thủ tục để thiết lập ban đầu. Dữ liệu này được số hóa để sử dụng, nhưng các giấy tờ gốc vẫn cần bảo quản”, anh Hoàng Anh Đức, chuyên viên sản phẩm thanh toán thuộc Trung tâm phát triển sản phẩm của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) – công ty phát triển ứng dụng tài chính số Viettel Money so sánh.

Đội ngũ công nghệ Viettel Money cũng hiểu rằng khả năng loại bỏ mọi trường hợp giả mạo về giấy tờ, khuôn mặt và nhận dạng chính danh, chính chủ khách hàng cũng “mở cửa” cho Viettel Money triển khai những dịch vụ tài chính số chưa có ở đâu khác.

… đến những bước ngoặt dịch vụ

“Mức vay tiêu dùng mà không cần ra quầy của Viettel Money cao hơn các dịch vụ tài chính số trên thị trường, lên đến 70 triệu đồng”, anh Đức chia sẻ với khi được hỏi đâu là tiện ích đột phá nhất mà eKYC đang đem lại cho khách hàng. Với một giải pháp eKYC đủ tin cậy, Viettel Money hiện là dịch vụ tài chính số duy nhất có khả năng cho vay với hạn mức như vậy trên môi trường trực tuyến.

BOSS0426
Số tài khoản tăng mới sau khi triển khai giải pháp eKYC tại Viettel Money tăng lên gấp 5 lần so với trước đó.

Từ năm 2020, giải pháp định danh điện tử Viettel eKYC được tích hợp trên hệ thống của Viettel Money để tự động hóa nghiệp vụ mở tài khoản vay. Dịch vụ Easy Vay của Viettel Money trở nên hoàn thiện, cho phép người dùng có thể đăng ký mở tài khoản mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc điện thoại. Khách hàng truy cập vào ứng dụng Viettel Money, thực hiện quay khuôn mặt và chụp hình ảnh các giấy tờ cá nhân theo hướng dẫn. Các công nghệ AI sau đó sẽ tự động xác thực, đối chiếu thông tin khách hàng và hoàn tất thủ tục mở tài khoản.

Khi được hỏi về nguy cơ phát sinh nợ xấu, anh Đức cho biết thực tế kể từ khi triển khai tính năng này trên Viettel Money, tỷ lệ phát sinh nợ xấu của các khoản vay trực tuyến thậm chí còn thấp hơn các khoản vay trực tiếp. Điều này có nghĩa là quy trình eKYC có khả năng xác thực khách hàng một cách ít sai sót hơn cả các quy trình trực tiếp. “Cho dù không giảm thế chấp, không có xác minh tại quầy nhưng nguy cơ nợ xấu thấp hơn vì chúng tôi có thể xác định chính danh, chính chủ khách hàng”, anh Đức cho biết.

Bằng chứng nằm ở hiệu quả thực tế

Về hệ thống Viettel eKYC, đại diện của Trung tâm dịch vụ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Viettel (VAI) cho biết, với quy mô kinh doanh tại 10 thị trường quốc tế của Viettel, mỗi thị trường lại cho ra những bài toán khác nhau về nhận diện khách hàng. Nhờ đó, nhóm phát triển sản phẩm tiếp cận với một kho số lượng lớn các kịch bản, dữ liệu giả mạo, từ đó đào tạo, huấn luyện mô hình chống giả mạo với độ chính xác vượt trội.

“Với bất kỳ trường hợp giả mạo nào phát hiện ra, Viettel sẽ nâng cấp hệ thống trong vòng 4 ngày để ngăn chặn. Đây là yêu cầu không nhiều bên có thể đáp ứng được, vì với các trường hợp giả mạo mới, sẽ chưa có nhiều dữ liệu để đào tạo mô hình”, anh Vũ Ngọc Kha, Trưởng nhóm phát triển sản phẩm Viettel eKYC, cho biết.

Không chỉ thực hiện được những tính năng đặc thù, Viettel Money mở rộng tiếp cận đến nhiều khách hơn nhờ giải pháp xác thực điện tử. Mỗi quy trình xác thực danh tính theo phương thức truyền thống trung bình mất 30 phút tại quầy, hiện nay thời gian xác thực rút ngắn còn 5 phút và khách hàng có thể tự thực hiện qua thiết bị di động.

Nhờ thủ tục đơn giản và thuận tiện hơn, số lượng khách hàng mới trước khi triển khai eKYC vào khoảng 100.000 – 110.000 tài khoản mỗi tháng đã tăng lên 500.000 – 600.000, tương đương gấp 5 lần. Trong khi đó, số tài khoản “ảo”, được tạo ra với mục đích lợi dụng app hoặc rửa tiền, gần như bị triệt tiêu. 

Theo ước tính của VDS, công việc liên quan đến phát triển người dùng Viettel Money đã giảm bớt ít nhất 30% khối lượng nhờ ứng dụng công nghệ. Mỗi tháng, VDS tiết kiệm hơn 200.000 giờ cho khách hàng và giao dịch viên.

“Trong lĩnh vực tài chính số, nhờ eKYC, các tổ chức tài chính có thể tiếp cận và phục vụ nhiều khách hàng hơn, kể cả những người ở vùng sâu vùng xa, đồng thời tuân thủ các quy định pháp thuật về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố một cách hiệu quả”, anh Hoàng Anh Đức chia sẻ.

Viettel Money 'biết khách hàng' nhờ hiểu chính mình

  • 127
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua