CEO Summit 2025: Hành trình từ Ví điện tử đến Ngân hàng số – Góc nhìn từ Cake & Viettel Money

Trần Thị Minh Hằng đã đăng lúc 11:01 - 09.06.2025

Tại Viettel Global CEO Summit 2025, phiên thảo luận về chuyển dịch từ ví điện tử sang ngân hàng số do Tổng Công ty Dịch vụ Số Viettel chủ trì đã thu hút sự quan tâm lớn khi có sự dẫn dắt của Phó TGĐ VDS Đỗ Mạnh Dũng và diễn giả đặc biệt - Tổng Giám đốc Cake by VPBank - ông Nguyễn Hữu Quang.

Tại phiên thảo luận này, diễn giả Nguyễn Hữu Quang đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý giá trong việc xây dựng ngân hàng số ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, PTGĐ Đỗ Mạnh Dũng lại mang đến bức tranh chiến lược toàn diện về con đường để ví điện tử có thể tiến lên ngân hàng số trong tương lai. Bởi vậy, phiên hội thảo không chỉ phác họa tầm nhìn chiến lược mà còn chia sẻ những bài học thực tiễn quý giá từ hành trình xây dựng ngân hàng số thành công. 

Định nghĩa ngân hàng số và kinh nghiệm thực tiễn từ CEO Cake by VPBank

DSC04945Mở đầu phiên thảo luận, diễn giả đặc biệt do VDS mời - CEO Cake by VPBank Nguyễn Hữu Quang đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay. Theo ông, ngân hàng số là hệ sinh thái tài chính số hóa toàn diện, mở rộng từ các dịch vụ cơ bản đến các giải pháp tài chính phức hợp, giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Cake by VPBank với kinh nghiệm triển khai ngân hàng số dày dặn và uy tín trên thị trường Việt Nam, hiện phục vụ hơn 5,2 triệu khách hàng qua danh mục sản phẩm đa dạng như vay tiêu dùng, tiết kiệm trực tuyến và các giải pháp tài chính linh hoạt, nổi bật là “Ví trả sau” – cho phép người dùng chi tiêu trước, thanh toán sau với thời hạn lên tới 60 tháng và miễn lãi trong 45 ngày đầu tiên.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, Fintech, những chia sẻ và nhận định của CEO Nguyễn Hữu Quang được đánh giá là mang lại nhiều kiến thức bổ ích, góp phần mở rộng tầm nhìn và định hướng phát triển ngân hàng số cho các thị trường nước ngoài đang trong quá trình tìm hiểu và xây dựng mô hình tương tự.

Hành trình chuyển mình của Viettel Money: Từ chiến lược đến thực thi

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc VDS - ông Đỗ Mạnh Dũng đã phác họa bức tranh toàn cảnh về làn sóng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ ví điện tử sang ngân hàng số, lấy cảm hứng từ các ví dụ thành công trên thế giới như MYBank, WeBank (Trung Quốc), Paytm, PhonePe (Ấn Độ) và GXBank, GCash (Đông Nam Á)... Ông nhấn mạnh, trong ngành fintech, thanh toán số chỉ là bước khởi đầu và chuyển đổi lên ngân hàng số là hướng đi tất yếu có thể phát triển bền vững trong tương lai.

DSC04989Lộ trình chuyển đổi được ông Dũng chỉ rõ bao gồm 4 bước: từ ví điện tử – hệ sinh thái thanh toán số – dịch vụ tài chính số – đến ngân hàng số hoàn chỉnh. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc lựa chọn con đường phù hợp. Các nhà mạng không nên nóng vội mà nên tiến hành từng bước xin cấp phép theo từng phần mà cần bắt đầu từ dịch vụ thanh toán đơn giản rồi mở rộng sang tín dụng, tiết kiệm và đầu tư khi đã đủ năng lực vận hành và dữ liệu.

Lấy ví dụ điển hình từ Viettel Money, ông cho biết việc xác định “sản phẩm mũi nhọn” nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và kiểm soát chi phí vận hành là yếu tố quyết định thành công. Đầu tư vào hệ thống core banking, ứng dụng vận hành và các công cụ phân tích dữ liệu theo thời gian thực được xem là điều kiện tiên quyết để hỗ trợ ra quyết định chính xác, cá nhân hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro.

Ông cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc hợp tác chiến lược với các đối tác phù hợp nhằm tận dụng thế mạnh mở rộng danh mục sản phẩm và tối ưu chi phí phát triển. Đồng thời, ông không loại trừ khả năng mở rộng sang lĩnh vực tài sản mã hóa và tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) – lĩnh vực đang được công nhận hợp pháp tại hơn 50% quốc gia trên thế giới.

“Phát triển ngân hàng số không chỉ là xây dựng mô hình kinh doanh mới mà là hành trình dài hơi để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số, đòi hỏi sự chuẩn bị bài bản về công nghệ, con người, dữ liệu, giấy phép và khả năng hợp tác với các đối tác phù hợp,” ông Dũng chia sẻ.

Kết thúc phần trình bày, ông Đỗ Mạnh Dũng dành thời gian giới thiệu năng lực hiện tại của VDS – nền tảng trung tâm giúp Viettel tự tin tiến vào thị trường ngân hàng số. VDS sở hữu bộ máy vận hành chuyên nghiệp, hệ thống quản trị rủi ro tuân thủ tiêu chuẩn Ngân hàng Nhà nước, cùng đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực then chốt như thanh toán, tín dụng, đầu tư và bảo hiểm.

Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng sâu rộng trong các quy trình định danh điện tử (eKYC), phân tích hành vi người dùng và chatbot pháp lý thông minh, giúp tối ưu vận hành, giảm đến 30% khối lượng công việc thủ công và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Từ nền tảng vững chắc về công nghệ, nhân sự và vận hành, VDS khẳng định sẵn sàng không chỉ trong việc thích ứng mà còn đồng hành và hỗ trợ các thị trường trong nước và quốc tế chuẩn bị nguồn lực để tiến lên ngân hàng số.

Bối cảnh chuyển dịch và tầm nhìn mới cho ngành tài chính số 

DSC04961Xuyên suốt phiên thảo luận, hai diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi từ các CEO, CTO và Công ty thị trường về thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp chuyển mình lên ngân hàng số. Và câu trả lời được đưa ra là không có mốc thời gian cụ thể cho việc này, mà điều kiện tiên quyết là khi hội tụ đủ các yếu tố: chính sách pháp lý phù hợp từ chính phủ, nguồn lực nội tại về công nghệ, quản trị rủi ro và năng lực vận hành. Đây mới là “thời điểm vàng” để tiến hành chuyển đổi chiến lược.

Ông Nguyễn Hữu Quang nhấn mạnh về năng lực cần thiết để các doanh nghiệp viễn thông có thể triển khai ngân hàng số thành công, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống core banking và phát triển sản phẩm phù hợp.

“Không nhất thiết phải trở thành ngân hàng số ngay lập tức, mà có thể kinh doanh các sản phẩm của ngân hàng số. Việc tiến lên ngân hàng số đòi hỏi giấy phép, công cụ, nguồn vốn và nhiều yếu tố khác. Do đó, chúng ta hãy tập trung phát triển và kinh doanh các sản phẩm ngân hàng số, chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ chín muồi.” - PTGĐ VDS Đỗ Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Phiên thảo luận tại Viettel Global CEO Summit 2025 không chỉ là diễn đàn kiến thức mà còn là tuyên ngôn tầm nhìn và chiến lược phát triển ngành tài chính số Việt Nam trong kỷ nguyên số. Sự góp mặt của CEO Cake by VPBank và Phó Tổng Giám đốc VDS mang đến góc nhìn thực tiễn và chiến lược toàn diện cho các thị trường trong nước và nước ngoài khi thực thi chiến lược chuyển đổi lên Ngân hàng số, mở ra hướng đi bền vững cho ngân hàng số “Make in Vietnam”.


  

TT Kinh doanh Quốc tế sẽ phát triển và triển khai sản phẩm đã áp dụng tại VDS...

  • 47709

Future me @ VDS - Office tour chào đón sinh viên VDT 2025

  • 2830

Tinh gọn mô hình tổ chức - Hướng tới mục tiêu phát triển và hoài bão của VDS

  • 202

Viettel Money tạo “cú hat-trick” tại giải thưởng tài chính hàng đầu châu Á

  • 5
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua