Tìm hiểu quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Nguyễn Thu Trang đã đăng lúc 08:46 - 20.03.2024

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là một trong những nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

1. Hiểu thế nào về người tiêu dùng dễ bị tổn thương?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

nguoi-tieu-dung32. Người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm những ai?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên;

- Người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập khó khăn;

- Người dưới 16 tuổi;

- Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều  kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định pháp luật;

- Thành viên hộ nghèo theo quy định pháp luật.

3. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện như thế nào?

a. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo nội dung tại điểm b dưới đây.

b. Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định pháp luật. 

c. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. 

d. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương phù hợp với thẩm quyền theo quy định pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm gì khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương?

- Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;

- Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương;

- Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;

- Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch;

- Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương;

- Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó. Cũng cần lưu ý, trách nhiệm này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định, trừ trường hợp doanh nghiệp đó thực hiện giao dịch đặc thù theo quy định tại Chương III của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023.

- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Bản tin thị trường Quý I/ 2024 và dự báo thị trường Quý II

  • 1227

Tiền gửi không cánh mà bay - Chủ thể nào chịu trách nhiệm

  • 7
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua