Phân tích chiêu trò lừa đảo “con đang cấp cứu” dưới lăng kính pháp luật

Nguyễn Thu Trang đã đăng lúc 09:42 - 16.03.2023

Thời gian qua xảy ra một số vụ việc kẻ xấu gọi điện hoặc nhắn tin thông báo với chủ thuê bao "con đang cấp cứu", các VDS-ers hãy theo dõi bài viết để tránh sập bẫy kẻ xấu nhé.

Thủ đoạn lừa đảo

Những kẻ lừa đảo gọi điện thoại, nhắn tin cho cha, mẹ với nội dung báo tin con bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển tiền ngay để phẫu thuật hoặc nhập viện điều trị. Cha, mẹ khi nhận được tin sẽ lập tức hoang mang, lo lắng và vội vàng chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo để “cứu con”.

condangcapcuu

Quy định pháp luật

Giáo viên, người lạ đưa con nhập viện, nhân viên y tế bệnh viện, cán bộ, cơ quan chức năng… có quyền quyết định phẫu thuật cho con hay không?

Điều 61 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã quy định rõ mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh.

Điều 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định trường hợp người bệnh là người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi, người đại diện hợp pháp của người bệnh sẽ quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ Điều 135 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) thì người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là cha, mẹ.

Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

Trong trường hợp người chưa thành niên không có cha, mẹ hoặc rơi vào một trong các trường hợp như: cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;… Điều 52 Bộ Luật dân sự quy định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự sau đây:

  1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
  2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
  3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Như vậy, đối với bệnh nhân dưới 18 tuổi, quyền quyết định phẫu thuật sẽ thuộc về cha, mẹ hoặc người giám hộ. Trong tình trạng nguy kịch và không có mặt của cha, mẹ thì quyền quyết định sẽ thuộc về người đứng đầu cơ sở khám bệnh.

Cha, mẹ có được ủy quyền cho người khác để ký giấy phẫu thuật cho con hay không?

Quyền được bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của một cá nhân là một trong các quyền nhân thân được quy định tại Điều 26 BLDS 2015. Do đó, đối với quyền nhân thân thì không thể thực hiện ủy quyền cho người khác.

Đối với trường hợp con chưa thành niên, việc thực hiện ký các giấy tờ thuộc về quyền của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Căn cứ theo Điều 60 BLDS 2015, việc chuyển quyền để người khác ký giấy phẫu thuật chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đăng ký thay đổi người giám hộ. Người giám hộ mới phải thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 52, 53 BLDS, tức là chuyển giao cho anh/ chị ruột trên 18 tuổi, ông/ bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột chứ không thể chuyển giao cho người không thuộc các trường hợp vừa liệt kê.

Pháp luật cũng quy định việc chuyển giao phải được thực hiện theo thủ tục tại Điều 61 BLDS và phải được lập thành văn bản. Trường hợp những người đủ điều kiện giám hộ không còn hoặc không thể đảm nhiệm, tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.

Như vậy, đối với trường hợp đối tượng lừa đảo tự xưng là thầy/ cô giáo của con, người đưa con vào bệnh viện cấp cứu, nhân viên y tế bệnh viện, cán bộ, cơ quan chức năng… Các VDS-ers là cha, mẹ cần tỉnh táo không tin vào lời của kẻ xấu, vì rõ ràng theo những phân tích quy định pháp luật ở trên, các đối tượng này không có quyền được đồng ý để tiến hành phẫu thuật cho con thông qua việc ký giấy phẫu thuật.

Bác sĩ có quyền từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu nếu bệnh nhân chưa ứng trước viện phí hay không?

Căn cứ theo Điều 6 và Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ không được phép từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu bệnh nhân. Trách nhiệm của bác sĩ là cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân, không vì bất kỳ lý do gì mà từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, cho dù người bệnh chưa đóng tạm ứng viện phí.

Như vậy, việc phải chuyển tiền cho người lạ để hoàn thiện các thủ tục cấp cứu, phẫu thuật cho con là không có căn cứ.

Đối tượng lừa đảo phải đối mặt với hậu quả pháp lý gì?

Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tùy tính chất, mức độ của hành vi mà đối tượng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

VDS-ers cần làm gì để không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này?

VDS-ers cần chú ý để bảo mật thông tin cá nhân thật tốt, tránh để lộ thông tin vào tay kẻ xấu. Trong trường hợp, nhận được các cuộc gọi lừa đảo như vậy, VDS-ers nên cố gắng giữ bình tĩnh, liên hệ với nhà trường, bệnh viện để kiểm tra thông tin của con, cũng như qua bạn bè, người thân khác để kiểm tra tình trạng của con.

Bên cạnh đó, VDS-ers có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất để yêu cầu hỗ trợ, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tiền gửi không cánh mà bay - Chủ thể nào chịu trách nhiệm

  • 58
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua