Nguyễn Thu Trang đã đăng lúc 14:26 - 03.03.2025
Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu 2024. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025.
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1,2)
Luật Dữ liệu năm 2024 (Luật DL) quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý nhà nước về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Luật DL áp dụng với các đối tượng sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam.
Như vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài không tại Việt Nam nhưng trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam cũng thuộc đối tượng áp dụng của Luật DL.
2. Làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến dữ liệu (Điều 3)
Luật DL đưa ra nhiều định nghĩa mới như:
- Dữ liệu số là dữ liệu về sự vật, hiện tượng, sự kiện, bao gồm một hoặc kết hợp các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số.
- Dữ liệu mở là dữ liệu mà mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều được tiếp cận, chia sẻ, khai thác, sử dụng.
- Dữ liệu gốc là dữ liệu được tạo lập trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc thu thập, tạo lập từ số hóa bản chính giấy tờ, tài liệu, các dạng vật chất khác.
- Dữ liệu quan trọng là dữ liệu có thể tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổ định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Dữ liệu cốt lõi là dữ liệu quan trọng trực tiếp tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Xử lý dữ liệu là quá trình tiếp nhận, chuyển đổi, tổ chức dữ liệu và các hoạt động khác về dữ liệu để phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu là hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ và điều phối dữ liệu giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Chủ quản dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu theo yêu cầu của chủ sở hữu dữ liệu.
- Chủ sở hữu dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng và trao đổi giá trị của dữ liệu do mình sở hữu.
- Điều phối dữ liệu là hoạt động tổ chức điều động và phân phối dữ liệu, quản lý, giám sát, tối ưu hóa luồng dữ liệu chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
- Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác.
3. Phân loại dữ liệu đối với chủ sở hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu không phải là cơ quan nhà nước (Điều 13)
Chủ sỡ hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu không phải là cơ quan nhà nước phải phân loại dữ liệu theo tính chất quan trọng của dữ liệu (gồm: dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác) và được phân loại dữ liệu theo các tiêu chí khác.
4, Các trường hợp phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 18)
Tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý trong các trường hợp sau đây:
- Ứng phó với tình trạng khẩn cấp;
- Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;
- Thảm họa;
- Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
5. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (Điều 35)
Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng phục vụ việc khai thác, sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Chủ thể khai thác và sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, bao gồm: (i) Cơ quan Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được khai thác và sử dụng dữ liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó; (ii) Chủ thể dữ liệu được khai thác và sử dụng dữ liệu phản ánh về chủ thể đó; (iii) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này được khai thác và sử dụng dữ liệu như sau: tự do khai thác và sử dụng dữ liệu mở; khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của Trung tâm dữ liệu quốc gia và cá nhân là chủ thể dữ liệu được khai thác; khai thác và sử dụng dữ liệu khác khi được sự đồng ý của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Việc khai thác và sử dụng dữ liệu thực hiện qua các phương thức:
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia;
- Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính;
- Nền tảng định danh và xác thực điện tử;
- Ứng dụng định danh quốc gia;
- Thiết bị, phương tiện, phần mềm do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp;
- Phương thức khác.
6. Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu (Điều 39,40,41,42)
- Dịch vụ xác thực điện tử
Dịch vụ xác thực điện tử thực hiện việc xác thực dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống định danh và xác thực điện tử do đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ.
- Sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu
Sản phẩm dịch vụ trung gian dữ liệu là sản phẩm, dịch vụ nhằm thiết lập mối quan hệ thương mại giữa chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu và bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ, thông qua thỏa thuận nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ, truy cập dữ liệu, thực hiện các quyền của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu, người dùng dữ liệu.
Tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu phải được đăng ký hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu trong nội bộ tổ chức.
- Sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu
Sản phẩm phân tích, tổng hợp dữ liệu là kết quả của quá trình phân tích, tổng hợp dữ liệu thành thông tin chuyên sâu hữu ích ở các cấp độ khác nhau theo yêu cầu của bên sử dụng sản phẩm. Dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu là hoạt động phân tích, tổng hợp dữ liệu theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ.
Tổ chức kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu có thể gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng phải đăng ký hoạt động, quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp có kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phải được quản lý theo quy định của pháp luật.
- Sàn dữ liệu
Sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là môi trường để giao dịch, trao đổi dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn dữ liệu là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ và được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật.
Dữ liệu không được phép giao dịch bao gồm: (i) Dữ liệu gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; (ii) Dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (iii) Dữ liệu khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.