Luật giao dịch điện tử năm 2023 và những điểm mới bạn cần biết

Nguyễn Thu Trang đã đăng lúc 11:38 - 22.08.2023

Cùng cập nhật ngay những quy định mới nhất về Luật Giao dịch điện tử năm 2023 để không chỉ tuân thủ đúng các quy định pháp luật mà còn có thể vận dụng vào công việc của bản thân.

Ngày 22/06/2023, Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (Luật GDĐT 2023) có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, nội dung chi tiết như sau:

8-diem-moi-co-ban-cua-luat-giao-dich-dien-tu-2023-2

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật GDĐT 2005) loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ khác” và chỉ áp dụng đối với “cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử”. Có thể thấy, quy định loại trừ này có thể gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên, đồng thời đối với tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng không lựa chọn áp dụng Luật GDĐT 2005 cũng sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Luật GDĐT 2005.

Do đó, trong Luật GDĐT 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, cụ thể “quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử” và “áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch điện tử hoặc có lên quan đến giao dịch điện tử”. Như vậy, Luật GDĐT 2023 đã bỏ nội dung loại trừ, bổ sung đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức có liên quan đến giao dịch điện tử, từ đó mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

2. Nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT 2023

Luật GDĐT 2023 quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử nhưng không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Theo đó, giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành của lĩnh vực đó. Chẳng hạn, trường hợp hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động được ký kết bằng phương tiện điện tử nhưng nội dung, hình thức, điều kiện của hợp đồng lao động này sẽ thuôc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2019.

Ngoài ra, Luật GDĐT 2023 cũng quy định trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo Luật GDĐT 2023, trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện hiện theo quy định của luật đó. Có thể thấy, quy định này nhằm hạn chế rủi ro chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật GDĐT 2023 và các văn bản pháp luật chuyên ngành.

3. Bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”

Luật GDĐT 2023 bổ sung thêm định nghĩa của các khái niệm: chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử. Theo đó:

  • Chữ ký điện tử được hiểu là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

  • Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.

  • Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu.

4. Sửa quy định về các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Điều 6 Luật GDĐT 2023 quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật. Cụ thể, các hành vi bị cấm bao gồm:

  • Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

  • Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

  • Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

  • Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

  • Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

  • Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

  • Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

  • Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

5. Chữ ký số có thể được xác định là chữ ký điện tử

Theo đó, tại Khoản Điều 22 Luật GDĐT 2023 quy định chữ ký số là chữ ký điện tử và phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;

  • Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;

  • Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể tại thời điểm ký;

  • Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

  • Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

  • Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất, không làm thay đổi dữ liệu cần ký.  

Ngoài ra, Luật GDĐT 2023 cũng quy định các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu như: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),.. không phải là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triên khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 Luật GDĐT 2023 quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Bổ sung điều kiện chuyển đổi văn bản giấy và thông điệp dữ liệu

Luật GDĐT 2023 bổ sung thêm quy định về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Cụ thể, khi thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;

  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

  • Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu trên và phải có chữ ký số của cơ quan,tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.

Khi văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

  • Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

  • Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

  • Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu trên và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

7. Chỉ rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

Luật GDĐT 2023 quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

8. Dịch vụ tin cậy lần đầu đưa vào Luật

Dịch vụ tin cậy là dịch vụ hoàn toàn mới và được quy định lần đầu tiên tại Mục 2 Chương III của Luật GDĐT 2023. Theo đó, dịch vụ tin cậy bao gồm:

  • Dịch vụ cấp dấu thời gian;

  • Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu;

  • Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

Cần lưu ý, dịch vụ tin cậy là dịch vụ thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Để kinh doanh dịch vụ này, tổ chức cung cấp dịch vụ phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Thời hạn của giấy phép kinh danh dịch vụ tin cậy là 10 năm.

9. Thêm loạt quy định mới về chứng từ điện tử

Đầu tiên, Luật GDĐT 2023 sửa đổi khái niệm chứng thư điện tử, cụ thể “chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử”. Trong khi đó, Luật GDĐT 2005 quy định “chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử”.

Song với đó, Luật GDĐT 2023 cũng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của chứng thư điện tử tại Điều 19, cụ thể thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

  • Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật GDĐT 2023;

  • Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

  • Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian;

Cũng cần lưu ý, chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bản tin thị trường Quý I/ 2024 và dự báo thị trường Quý II

  • 1263

Tiền gửi không cánh mà bay - Chủ thể nào chịu trách nhiệm

  • 48
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua