Khi tiền bỗng dưng "bốc hơi" khỏi thẻ tín dụng - cần làm gì và biện pháp phòng tránh

Nguyễn Thu Trang đã đăng lúc 11:28 - 27.12.2023

Bỗng một sáng thức dậy, VDS-er phát hiện tiền trong thẻ tín dụng của mình không cánh mà bay. Khi không may rơi vào trường hợp này, liệu VDS-er đã biết cần phải làm gì hay chưa? Hãy đọc bài viết này để tìm câu trả lời và có biện pháp phòng tránh nhé.

1. Thủ đoạn của kẻ xấu

Gần đây xuất hiện nhiều trường hợp thẻ tín dụng của người dùng Việt Nam bị sử dụng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài dù người dùng không hề sử dụng thẻ. Đơn cử như trường hợp của chị P.U tại Hà Nội, thẻ tín dụng do ngân hàng Quân đội (MB) phát hành của chị bỗng dưng bị trừ số tiền lên đến 20 triệu đồng để thanh toán cho dịch vụ quảng cáo của Facebook. Sau khi làm việc với ngân hàng, chị được phản hồi rằng phải đợi ngân hàng truy soát và hoàn tiền trong vòng 30 ngày với các giao dịch không phải do chị thực hiện. 

Theo các chuyên gia phân tích, có 3 "thủ đoạn" để hack thẻ tín dụng hiện nay, đó là:

  • Hack trang web mua bán: Hackers công nghệ có thể lấy thông tin người dùng bằng cách hack trang web mua sắm, dịch vụ,.. nơi khách hàng hay sử dụng thẻ tín dụng thanh toán. Một khi kẻ gian đã hack trang web thì tất cả thông tin trong website đó sẽ bị lấy đi, đồng nghĩa với việc có thể hàng trăm, hàng nghìn thông tin thẻ tín dụng bị lấy cắp 
  • Sử dụng máy quét dữ liệu thẻ (Skimming): Hình thức này ở nước ngoài rất phổ biến, nhất là khi khách hàng quẹt thẻ tại nhà hàng, khách sạn,.. Theo đó, trong lúc đưa thẻ để thanh toán, thẻ của người dùng bị đặt thiết bị quét dữ liệu mà người dùng không hề biết.
  • Kẻ gian đặt máy MP3 tại cây ATM: Với máy MP3 này, khi chủ thẻ thực hiện giao dịch trên cây ATM, mọi tiếng động gõ phím sẽ được ghi lại và chuyển hóa thành các bộ số chính và mã pin thẻ của khách hàng.

Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp chính ngân hàng là bên làm lộ thông tin khách hàng. 

2. VDS-er cần làm gì khi rơi vào trường hợp này

Cần ngay lập tức liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ và hủy giao dịch lạ

Theo đó, pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng quy định rằng chủ thẻ có quyền yêu cầu ngân hàng phát hành thẻ tra soát khi phát hiện có sai soát hoặc nghi ngờ có sai sót về giao dịch thẻ. Thời hạn của quyền đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng sẽ do ngân hàng phát hành thẻ quy định nhưng thời hạn này không được ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại.

Pháp luật cũng quy định ngân hàng phát hành thẻ phải áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của chủ thẻ, bao gồm: qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần) và qua các điểm giao dịch của ngân hàng, đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà chủ thẻ đã cung cấp cho ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng phát hành thẻ phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ.

Như vậy khi không may bị trừ tiền trong thẻ tín dụng dù không hề sử dụng, đầu tiên VDS-er cần ngay lập tức liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ qua tổng số đài hoặc trực tiếp đến điểm giao dịch của ngân hàng để thông báo về việc có gian lận thẻ và đề nghị ngân hàng khóa thẻ. 

Tiếp theo, VDS-er cần hủy ngay giao dịch lạ. Theo đó, tất cả các giao dịch sẽ đều có mã xác nhận hoặc thông tin của công ty mua hàng. Khi phát hiện những giao dịch lạ, VDS-er hãy gửi mail hoặc gọi điện tới công ty để thông báo về những giao dịch mà không phải do mình thực hiện. Trong nội dung phản hồi, VDS-er hãy trình bày rõ ràng việc mình không phải là người thực hện các giao dịch này và đề nghị hủy đơn hàng.

Ngoài ra, VDS-er cũng cần lưu lại ngay các bằng chứng chứng minh về hành vi gian lận, giả mạo thẻ của mình đẻ làm căn cứ cung cấp cho ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm. 

Cung cấp các thông tin cần thiết và đợi ngân hàng xử lý

Đối với trường hợp VDS-er trực tiếp đến điểm giao dịch của ngân hàng, VDS-er cần điền các thông tin cần thiết trên mẫu giấy đề nghị tra soát, khiếu nại do ngân hàng phát hành thẻ xây dựng.

Đối với trường hợp VDS-er liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ qua số điện thoại tổng đài thì tùy theo quy định nội bộ của ngân hàng phát hành thẻ hoặc thỏa thuận của ngân hàng phát hành thẻ với các bên liên quan, ngân hàng phát hành thẻ có thể yêu cầu VDS-er nộp giấy đề nghị tra soát, khiếu nại theo mẫu trong thời hạn quy định của ngân hàng để làm căn cứ chính thức xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại.

Theo quy định pháp luật, thời hạn để ngân hàng phát hành thẻ giải quyết đề nghị tra soát, khiếu nại được quy định như sau:

  • Nếu thẻ tín dụng của VDS-er có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp, thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại sẽ theo thời hạn đã được thỏa thuận cụ thể tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, tuy nhiên thời hạn này không được quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu qua tổng đài điện thoại hoặc điểm giao dịch của ngân hàng.
  • Nếu thẻ tín dụng của VDS-er có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp, thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại sẽ được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.

Nhận kết quả xử lý của ngân hàng 

Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại của VDS-er, ngân hàng phát hành thẻ thực hiện bồi hoàn cho VDS-er theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của VDS-er và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận tại hợp đồng phát hành thẻ.

Đối với trường hợp hết thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại theo thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc về bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng phát hành thẻ thỏa thuận với VDS-er về phương án xử lý hoặc tạm thời bồi hoàn tổn thất cho VDS-er cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền phân định rõ lỗi và trách nhiệm của các bên.

Nếu sự việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng phát hành thẻ thông báo bằng văn bản cho VDS-er về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại, đồng thời ngân hàng phát hành thẻ thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hành Nhà nước về vụ việc. Trong trường hợp này, việc xử lý kết quả khiếu nại sẽ thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm thì trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng phát hành thẻ phải thỏa thuận với VDS-er về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.

Nếu VDS-er không đồng ý với kết quả giải quyết và/hoặc quá trình xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của ngân hàng phát hành thẻ thì VDS-er có thể đem vụ việc ra giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp phòng tránh

Việc đột nhiên bị mất tiền trong thẻ tín dụng là việc không một ai mong muốn. Do đó, mỗi VDS-er cần tự thực hiện các biện pháp phòng tránh để không rơi vào trường hợp này:

  • Thứ nhất, VDS -er có thể chủ động khóa thẻ và chỉ mở thẻ khi có nhu cầu sử dụng. Khi khóa thẻ thì kẻ xấu dù có thông tin thẻ cũng không thể sử dụng tại các trang web, ứng dụng. Nhưng biện pháp này có điểm bất tiện khi VDS-er có thể phải thường xuyên khóa/mở thẻ.
  • Thứ hai, VDS-er thiết lập hạn mức giao dịch của thẻ để kiểm soát số tiền tối đa được phép chi ra cho mỗi lần giao dịch và mỗi ngày. VDS-er có thể tự tính toán số tiền mà bản thân thường sử dụng để thiết lập hạn mức. Biện pháp này sẽ giảm thiếu thiệt hại về số tiến có thể bị kẻ gian "đánh cắp".
  • Thứ ba, VDS-er cài đặt xác thực khi thực hiện giao dịch thẻ. Theo đó, để thực hiện giao dịch thẻ thành công thì VDS-er cần phải thực hiện cac bước xác thực như: nhập OTP, thông tin sinh trắc học,... Biện pháp này sẽ phòng tránh được trường hợp kẻ xấu chỉ cần có thông tin thẻ là có thể sử dụng, thanh toán cho mọi hàng hóa, dịch vụ. 

Tiền gửi không cánh mà bay - Chủ thể nào chịu trách nhiệm

  • 58
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua