Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay từ ngày 1/7/2024

Nguyễn Tuấn Dương đã đăng lúc 14:41 - 25.07.2024

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (TCTD). Luật này được ban hành ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới quan trọng. Cùng tìm hiểu những điểm người VDS cần lưu ý với những thay đổi mới.

1. Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải công khai thông tin (Điều 49)

032804059Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ TCTD phải công khai các thông tin cá nhân, thông tin liên quan và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, người có liên quan tại TCTD cho TCTD. TCTD có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử trong thời hạn 07 ngày làm việc kể Từ TCTD nhận được thông tin lần đầu và khi có thay đổi, gửi báo cáo bằng văn bản cho NHNN trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày TCTD nhận được thông tin.

Quy định này nhằm bạch hóa hoạt động, thông tin cổ đông của TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông tại TCTD.

2. Sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan (khoản 24 Điều 4)

Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau:

- Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

- Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;…

Quy định này nhằm minh bạch hóa thông tin người có liên quan, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của TCTD, giúp ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, giúp TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn. Quy định này được sửa đôi, bổ sung nhằm bao trùm, bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan

3. Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan tại Tổ chức tín dụng (Đ63)

Theo đó, Luật mới quy định:

  • Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% (không đổi) vốn điều lệ của một TCTD.

  • Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước là 15%) vốn điều lệ của một TCTD.

  • Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước là 20%) vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.

Quy định này nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại TCTD, giúp ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD, giúp TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền vào hệ thống TCTD.

Với các cổ đông đang nắm giữ cổ phẩn theo Luật cũ được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.​

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại Luật cũ.

4. Giảm dần mức cấp tín dụng theo từng giai đoạn (Điều 136)

Luật mới quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một KH, một KH và người có liên quan của KH đó của ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:

a) Từ 1/7/2024 đến trước 1/12026: 14% vốn tự có đối với một KH; 23% vốn tự có đối với một KH và người có liên quan của KH đó;

b) Từ 1/1/2026 đến trước 1/1/2027: 13% vốn tự có đối với một KH; 21% vốn tự có đối với một KH và người có liên quan của KH đó;

c) Từ 1/1/2027 đến trước 1/1/2028: 12% vốn tự có đối với một KH; 19% vốn tự có đối với một KH và người có liên quan của KH đó;

d) Từ 1/1/ 2028 đến trước 1/1/2029: 11% vốn tự có đối với một KH; 17% vốn tự có đối với một KH và người có liên quan của KH đó;

đ) Từ 1/1/2029: 10% vốn tự có đối với một KH; 15% vốn tự có đối với một KH và người có liên quan của KH đó.

Như vậy, giới hạn cấp tín dụng đối với một KH tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% xuống 10% kể Từ 01/07/2024 đến ngày 01/01/2029; đối với một KH và người liên quan giảm dần từ 25% xuống 15%. Giới hạn cấp tín dụng đối với một KH và người có liên quan tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm từ 50% xuống mức 25%.

Quy định này giúp ngân hàng đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một hoặc một nhóm KH (rủi ro đạo đức), tránh gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng (rủi ro quá hạn), đồng thời giúp các doanh nghiệp lớn tránh bị đứt gãy vốn đột ngột.

5. Bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay có giá trị nhỏ (đơn giản hóa thủ tục) (Điều 102)

tien-dong-ngoc-thang-8029-6431Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng, trừ trường hợp sau:

- Với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của KH trước khi quyết định cấp tín dụng:

a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

c) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;

d) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

Quy định này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng nhỏ lẻ. Theo đó, với các khoản vay nhỏ lẻ, KH phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của KH, khác với quy định cũ phải cung cấp tài liệu chứng minh.

Các sản phẩm vay hợp tác trên Viettel Money có thể sẽ cần điều chỉnh luồng cung cấp thông tin về khoản vay như mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của KH theo luồng sản phẩm của ngân hàng, công ty tài chính.

6. Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử (Điều 102)

Quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính

Thống đốc NHNN quy định mức giá trị nhỏ của khoản cấp tín dụng, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của KH quy định tại khoản 2 Điều này (khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ); việc xác định KH phải cung cấp thông tin về người có liên quan và nội dung thông tin phải cung cấp cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng, việc xét duyệt cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.

Luật Các TCTD mới quy định  cụ thể thẩm quyền của Thống đốc NHNN trong việc Thống đốc NHNN trong việc xét duyệt cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử. Giúp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

7. Bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Điều 106)

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện; tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bổ sung rõ ràng quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng tại Luật mới (như p2p lending, sandbox), việc triển khai sẽ được thực hiện thông qua các quy định của Chính phủ, như Nghị định, Quyết định.

8. Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay (Khoản 5 Điều 15)

Nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Quy định này nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số KH nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng. Góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán bảo hiểm cũng như ngăn chặn tình trạng các TCTD ép buộc KH phải mua bảo hiểm trái với nhu cầu và ý muốn của họ khi tiếp cận các khoản vay.

9. Tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ (Đ200)

Tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản.

Quy định này nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý nợ trong trường hợp tài sản bảo đảm là dự án BĐS. Đối với các khoản nợ quá hạn có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản thì ngân hàng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đấy nhưng không cần áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản.

10. Can thiệp sớm các Tổ chức tín dụng yếu kém (Điều 151-161)

 Theo đó, NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp:

+ Số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ;

+ Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN;

+ Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục;

+ Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ trong thời gian 06 tháng liên tục;

+ Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN           

Quy định này nhằm tăng cường, đẩy mạnh vai trò quản lý của các NHNN trong việc giúp các TCTD thực hiện các yêu cầu, khắc phục các hạn chế, vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng quay trở lại hoạt động bình thường.

Bổ sung quy định pháp lý nhằm trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn cho NHNN để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước các sự cố ngân hàng nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống.

11. Bổ sung hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán (Điều 113)

Theo đó, Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong hoạt động ngân hàng, giao đại lý thanh toán theo quy định của Thống đốc NHNN.

Quy định mới này phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD, với thông lệ trong nước qua các mô hình thí điểm và thông lệ quốc tế tại một số nước đã triển khai.

12. Bổ sung khái niệm, giải thích mới về hoạt động của công ty tài chính chuyên ngành, công ty tài chính tổng hợp, quy định về rút tiền hàng loạt (Điều 4)

- Công ty tài chính chuyên ngành là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động chính thuộc một trong các lĩnh vực bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính.

- Công ty tài chính tổng hợp là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện nhiều hoạt động như: 1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức. 2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn của tổ chức. 3. Cho vay. 4. Bảo lãnh ngân hàng. 5. Chiết khấu, tái chiết khấu. 6. Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính. 7. Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Thống đốc NHNN….)

- Rút tiền hàng loạt là việc tổ chức tín dụng bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định của Thống đốc NHNN.

Quy định tại Luật mới đã mở rộng hơn phạm vi hoạt động cho các loại hình TCTD này trên cơ sở phù hợp năng lực và an toàn hoạt động đối với từng loại hình, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD phi ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thị trường tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại, giúp thị trường tài chính phát triển bền vững hơn

Luật đã hoàn thiện các quy định về công ty tài chính bằng cách đưa ra quy định 2 mô hình là công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành (mục 3 và mục 4, Chương V) cùng với quy định về hoạt động của 2 mô hình này.

[Bản tin ATTT] Nguy cơ bị tấn công từ mã QR

  • 75

[Bản tin ATTT] Ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước lây lan virus trên Android gia...

  • 55
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua