Lương Thị Dịu đã đăng lúc 15:21 - 15.04.2025
Trong thời đại số, trải nghiệm người dùng không chỉ dừng ở giao diện bắt mắt mà còn nằm ở tốc độ và tính ổn định khi truy cập. Với ứng dụng FinTech như Viettel Money – thời gian phản hồi, độ ổn định kết nối và hiệu suất xử lý là những yếu tố sống còn.
Để nâng tầm hiệu năng ứng dụng, VDS đã triển khai đồng bộ hai công nghệ cốt lõi: cache thông minh (bộ nhớ đệm) và CDN (mạng phân phối nội dung). Đây được xem là “bộ đôi chiến lược” giúp tăng tốc độ phản hồi, tối ưu tài nguyên, đồng thời mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng – ngay cả khi họ truy cập từ các vùng có chất lượng mạng không ổn định.
Cache thông minh – "bộ nhớ tạm, hiệu quả thật"
Cache là vùng lưu trữ tạm thời, cho phép hệ thống ghi nhớ dữ liệu đã từng được truy cập để tái sử dụng trong các lần sau. Trong ứng dụng FindTech, bộ nhớ cache được tối ưu hóa linh hoạt trên cả hai phía:
Cache phía client: Sử dụng thuật toán LRU (Least Recently Used) giúp giải phóng bộ nhớ khi vượt quá ngưỡng quy định. Tùy vào loại nội dung, dữ liệu được gán thời gian sống (TTL – Time To Live) khác nhau: ví dụ, dữ liệu sản phẩm giữ trong 24 giờ, tin tức khuyến mãi chỉ lưu trong 1-2 giờ nhằm đảm bảo tính cập nhật.
Cache phía server: Áp dụng kiến trúc phân tầng từ client → CDN → reverse proxy → backend, với key cache được xây dựng theo chuẩn (bao gồm thông tin người dùng, thiết bị và phiên bản API) nhằm tránh xung đột và đảm bảo độ chính xác cao khi truy xuất dữ liệu.
Ngoài ra, Viettel Money còn triển khai tính năng đồng bộ hóa định kỳ kết hợp background fetch, cho phép làm mới dữ liệu nền mà không làm gián đoạn thao tác của người dùng.
Kết quả? Cache thông minh giúp rút ngắn thời gian tải dữ liệu lên tới 60%, đồng thời giảm thiểu số lần gọi đến máy chủ gốc – từ đó giảm tải hệ thống và tiết kiệm băng thông.
CDN – Trái tim của mạng lưới phân phối nội dung
Không dừng ở cache, Viettel Money còn tích hợp CDN (Content Delivery Network) – mạng lưới các máy chủ phân tán toàn cầu, cho phép người dùng truy cập nội dung từ node gần nhất thay vì phải gửi yêu cầu đến máy chủ chính (có thể cách xa về mặt địa lý).
Cơ chế hoạt động của CDN bao gồm ba lớp chính:
Lưu bộ nhớ đệm (caching): Nội dung tĩnh như hình ảnh, video, CSS, JS được lưu sẵn trên các máy chủ biên, rút ngắn thời gian truyền tải đến người dùng.
Tăng tốc động (dynamic acceleration): Với nội dung thay đổi theo người dùng (ví dụ: sản phẩm gợi ý theo hành vi), CDN giữ vai trò trung gian tối ưu hóa kết nối giữa client và máy chủ gốc, giảm độ trễ và đảm bảo an toàn kết nối.
Logic biên (edge logic): Các máy chủ CDN có khả năng xử lý các yêu cầu nhỏ tại “biên” thay vì chuyển về máy chủ trung tâm, như xác thực truy cập, lọc dữ liệu không hợp lệ hay nén hình ảnh phù hợp thiết bị.
Viettel Money đồng thời tích hợp adaptive bitrate streaming cho video (HLS hoặc MPEG-DASH) và sử dụng các định dạng tối ưu như WebP, HEIC cho ảnh, giúp tiết kiệm băng thông mà vẫn giữ chất lượng hiển thị cao.
Kết quả cụ thể và lợi ích lâu dài
Chỉ sau thời gian ngắn áp dụng đồng bộ cache và CDN, hệ thống Viettel Money đã ghi nhận:
Tốc độ tải dữ liệu tăng từ 20-60%
Tiết kiệm tới 40% chi phí băng thông và tài nguyên máy chủ
Tăng độ ổn định của ứng dụng ngay cả ở vùng có kết nối yếu
Cải thiện rõ rệt chỉ số trải nghiệm người dùng (UX score)
Không chỉ là giải pháp tình thế, việc tối ưu cache và CDN đã trở thành một phần trong chiến lược công nghệ dài hạn của VDS. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, các nền tảng như Viettel Money cần một nền hạ tầng vững chắc, linh hoạt, và tiết kiệm để phục vụ hàng chục triệu người dùng.
Trong kỷ nguyên số hóa dịch vụ tài chính, mỗi mili-giây đều có thể tạo ra sự khác biệt. Đầu tư vào hạ tầng cache thông minh và CDN không chỉ giúp tăng tốc hệ thống mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng lòng tin, giữ chân người dùng và tối ưu chi phí vận hành.
Với định hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu, VDS đang chứng minh rằng: hiệu quả công nghệ không nằm ở quy mô đầu tư, mà ở cách sáng tạo, kết nối những giải pháp tưởng chừng “vô hình” nhưng tạo nên trải nghiệm rất thật.