[Human] Phụ nữ VDS: “Công nghệ có thể là khoa học, cũng có thể là nghệ thuật.”

Trần Thùy Linh đã đăng lúc 11:55 - 23.10.2023

Viettel vẫn gọi những người phụ nữ làm công nghệ một cách thân thương và đầy trân trọng là “bông hồng thép”.

Tại khu vườn rợp nắng mang tên VDS, chúng tôi mang tới câu chuyện về Dương Phương Thảo (Chuyên viên Quản lý chất lượng, Phòng CNTT) - một người phụ nữ yêu công nghệ, làm công nghệ và nhìn nhận công nghệ theo một lăng kính thật khác biệt. 

Góc làm việc đặc biệt mang đậm dấu ấn Dương Phương Thảo

Không phải một cuộc hẹn thông thường tại quán café hay phòng họp, chúng tôi gặp Dương Phương Thảo tại chính nơi chị làm việc mỗi ngày – góc bàn vẫn được “đồn” là rất đặc biệt tại VDS. Bạn sẽ dễ dàng lầm tưởng đó là thế giới nhỏ của một bạn trẻ Gen Z đam mê những thứ bay bổng, xinh xắn, mộng mơ thay vì cô kỹ sư CNTT sắp bước sang tuổi 30 và đã là một người mẹ. Trong guồng quay bận rộn những ngày cuối năm, góc bàn của Thảo vẫn luôn tràn ngập màu sắc và hương thơm. Thảo bắt đầu một ngày làm việc của mình bằng việc tự thưởng cho bản thân một bình hoa tươi và sắp xếp mọi thứ trên bàn thật ngăn nắp, gọn gàng.

“Chỉn chu từ những điều nhỏ nhất là cách mình lựa chọn để làm được điều lớn lao một cách trọn vẹn nhất.” – Thảo chia sẻ.

Là một người mẹ, người phụ nữ của gia đình, đồng thời đảm đương cả công việc giờ hành chính, chắc hẳn không ít phụ nữ đã từng lãng quên những sở thích, đam mê của bản thân, quên mất rằng trong mình còn một “cô gái” cần được yêu thương. “Cô gái” trong Dương Phương Thảo luôn được săn sóc, quan tâm mỗi ngày. Chị không ngại thể hiện, theo đuổi những đam mê, chạy theo vùng trời riêng của bản thân. Bà mẹ một con “không từ bỏ một cuộc chơi nào”, chị vẫn hào hứng với những nhân vật hoạt hình xinh xắn, những phụ kiện tiểu thư “bánh bèo” và sẵn sàng xuất hiện với mái tóc hồng rực rỡ. Cuộc sống mà Thảo hướng tới là một cuộc sống tích cực được xây đắp nên bởi sự hội tụ và cân bằng giữa nhiều yếu tố, và yếu tố Thảo không bao giờ lãng quên chính là “Be Yourself”.

“Phụ nữ làm công nghệ” và “Thảo làm công nghệ”

Người ta vẫn thường nói về phụ nữ làm công nghệ với những tính từ như “khô khan”, “đơn điệu”, và một chút gì đó “cứng nhắc”. Dương Phương Thảo lại là một kỹ sư CNTT với tâm hồn “màu hồng”, lãng mạn và yêu cái đẹp. Nhưng Thảo không cho rằng mình rất khác so với số đông phụ nữ cùng ngành.

“Phụ nữ làm trong bất cứ ngành nghề nào cũng mang vào đó nét nữ tính đặc trưng, có người thể hiện ra, có người lựa chọn không. Cũng có thể bởi vậy nên nhiều phụ nữ công nghệ được cho là “khô khan”. Với mình, khô khan, lãng mạn, hay bất cứ một cá tính nào cũng đáng được trân trọng như nhau. Bản chất “phụ nữ làm công nghệ” hay “Thảo làm công nghệ” không khác nhau. Mình nghĩ rằng xã hội đã đủ hiện đại để mọi người không còn gán cho một ngành nghề, một nhóm người nào đó một cái mác cố định.

Với triết lý “Cộng hưởng tạo nên giá trị khác biệt”, Viettel tôn trọng bản ngã của mỗi cá nhân. Mọi CBNV đều được sáng tạo, thể hiện cá tính. Những cá tính riêng biệt đó tổng hòa lại sẽ tạo nên giá trị chung đột phá, chính là sức mạnh dẫn lối Viettel như ngày hôm nay.

Tình yêu “lãng mạn” đối với Công nghệ thông tin

Dương Phương Thảo có thể dành hàng giờ đồng hồ để kể về những gì mình yêu thích và tất nhiên, công nghệ cũng không phải ngoại lệ. Thảo cho biết, chị đến với công nghệ như một cái duyên. Chị bị thu hút bởi sự logic, tính sáng tạo và cách các bài toán ra đời. Người khác nhìn công nghệ như một môn khoa học khô khan, chị lại thấy công nghệ mang một vẻ “lãng tử” riêng. Gia đình Thảo dường như có truyền thống yêu những thứ khô khan như kỹ thuật, luật, công nghệ thông tin,… một cách lãng mạn.

“Ngoài những kiến thức chuyên ngành, mình chủ động tìm hiểu thêm những câu chuyện bên lề xoay quanh những câu lệnh, thuật toán, quy trình. Nếu chịu khó tìm hiểu, bạn sẽ thấy công nghệ sinh ra là vì những mục đích thú vị, ý nghĩa và không hề thô ráp như dáng vẻ của nó. Mình gọi đó là vẻ đẹp nghệ thuật của công nghệ. Khi nhìn công nghệ bằng một lăng kính khác mềm mại hơn, việc tiếp cận những con số, thuật toán khô khan sẽ tự động dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu trên thế giới đã có người nhìn ra được “Văn học qua lăng kính Vật lý” thì không có lý nào mình không thể nhìn nhận công nghệ như nghệ thuật thay vì đơn thuần chỉ là khoa học.”– Thảo chia sẻ.

Ngoài việc tìm cách tiếp cận công nghệ một cách “bay bổng” hơn, Thảo và gia đình cũng luôn giữ cho bản thân những đam mê nghệ thuật riêng như hội họa, âm nhạc, cây cảnh,… Đó cũng là “đối tác” song hành cùng công nghệ tạo nên điểm cân bằng cho cuộc sống của Thảo.

“Những bông hồng thép”

Đàn ông làm công nghệ có rất nhiều thế mạnh. Phụ nữ làm công nghệ cũng có thế mạnh của riêng mình. Nhưng điều phụ nữ “hơn” đàn ông chính là những bất lợi. Đây hẳn là điều mà người phụ nữ nào cũng nhận ra.

Xã hội đang tiến bước vững chãi trong kỷ nguyên số 4.0, công nghệ thay đổi mỗi phút, mỗi giây trên thế giới. Trên khắp trên thế giới và ngay tại Viettel, có rất nhiều phụ nữ vẫn lựa chọn công nghệ là hành trình mình sẽ bước đi. Dù có là một phụ nữ công nghệ “khô khan” hay “lãng mạn”, hãy cứ yêu bản thân mình và yêu con đường mà mình đã chọn.

Nhân tháng tri ân những người phụ nữ, chúng tôi dành tặng “những bông hồng thép” của Viettel, đặc biệt là “những bông hồng thép” của VDS sự trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc nhất!

 

Mở khóa “mã gene” người Viettel với chuỗi minigame tìm hiểu “8 Giá trị cốt lõi”

  • 394

Những gương mặt xuất sắc từ VFC 2024 đã chính thức gia nhập ngôi nhà chung VDS

  • 1
  • 302

Cán bộ công đoàn giỏi: Nơi người VDS khẳng định nghiệp vụ xuất sắc và tinh thần...

  • 1
  • 142

Tổng Công ty trao quyết định cho 03 cán bộ

  • 1
  • 117
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua