Trần Thùy Linh đã đăng lúc 18:28 - 12.11.2024
Mặc dù công tác chuyên môn bận rộn, cùng với đó là công tác quản lý đầy trách nhiệm, chị Nguyễn Minh Ngọc, Phó phòng Nền tảng thanh toán (TTCN) là một trong những GVNB rất tích cực trong hoạt động lan tỏa tri thức tại VDS.
Gặp gỡ chị tại buổi ghi hình cho cuộc thi Giảng viên xuất sắc do Tập đoàn tổ chức, Leader Talk ấn tượng với chị bởi nhiệt huyết, say mê trong từng lời giảng, chỉn chu ở từng nội dung truyền đạt, như cách cô giáo Ngọc vẫn thể hiện với học viên mỗi lần đứng lớp. Không chỉ vậy, với vai trò là leader của Phòng Nền tảng thanh toán, đồng thời là leader của ngành dọc Business Analyst (BA) tại VDS, chị Ngọc luôn duy trì không khí học tập, lan tỏa tri thức trong nội bộ team.
Năm 2024, chị Ngọc đã hoàn thành giảng dạy khóa học dài Ôn thi chứng chỉ CCBA cho team BA của VDS.
Khóa học đầy thách thức và ấn tượng
Chào chị Ngọc, em được biết, đây là khóa giảng dạy dài, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian của cả chị và các bạn học viên. Chị có thể chia sẻ thêm với độc giả về khóa đào tạo này được không?
Xin chào Leader Talk! Chị rất vui vì được chia sẻ về khóa học này. Ôn thi chứng chỉ CCBA là khóa học mà chị đã ấp ủ từ rất lâu với mong muốn được truyền đạt kiến thức trong sách BABOK – cuốn sách hiện đang được coi như kiến thức chuẩn nhất đối với ngành BA tới các bạn BA tại VDS. Mặc dù tên khóa học là khóa Ôn thi chứng chỉ, nhưng mục đích chính là các bạn hiểu đúng, hiểu sâu hơn về nghề BA, chuẩn hóa luồng công việc và những kỹ năng, kỹ thuật mà BA cần nắm rõ, hiểu được nguyên lý và áp dụng được vào công việc hàng ngày.
Leader Talk nhận được “feedback” từ BTC rằng trong quá trình diễn ra khóa học, việc học đến tối muộn không còn xa lạ với các bạn học viên, thậm chí là đêm khuya nhóm chat của lớp vẫn không ngừng reo chuông. Các bạn học tập hăng say, nghiêm túc mặc dù công việc rất bận rộn. Mọi người rất muốn nghe chị chia sẻ về tinh thần học tập “cực chiến” này của team ạ!
Khóa học kéo dài 3 tháng, mỗi tuần 2 buổi vào cuối giờ làm. Dù đã thấm mệt sau một ngày làm việc, các bạn vẫn hào hứng, sôi nổi thảo luận. Những ngày bận họp, chị và team học online buổi tối, thậm chí là vào cuối tuần. Nội dung khóa khá dài và khó, đòi hỏi sự đều đặn, chăm chỉ, nên ngay từ đầu, mọi người đã cam kết tham gia đầy đủ, viết mindmap và làm bài test định kỳ, kèm hình thức phạt nếu không thực hiện.
Và với “truyền thống và cách làm người lính” – đã cam kết là tuân thủ, dù có nhiều ngày bận rộn, hầu hết các bạn vẫn hoàn thành bài tập, mặc dù sát deadline, thường là vào đêm khuya. Trong suốt quá trình đó, chị rất cảm kích tinh thần vừa học vừa làm nghiêm túc của các bạn. Đó không phải là điều dễ dàng thực hiện. Các bạn nhìn nhau mà cố gắng, bạn này làm xong thì nhắc bạn khác, cả team cùng cố gắng và cùng ý thức, một ai đó muốn “lười” cũng khó.
Ngôi sao đi đầu
Để luôn thúc đẩy các team mình quản lý học tập và nâng cao năng lực, chính chị Ngọc cũng là một tấm gương sáng để các bạn trong team soi chiếu vào khi luôn cố gắng tham gia các khóa học, chứng chỉ, nâng cấp trình độ chuyên môn, kỹ năng mỗi ngày. Từ những năm đầu mới chuyển sang làm công việc Phân tích nghiệp vụ, với đặc thù công việc là xác định các nhu cầu và đề xuất giải pháp đáp ứng các nhu cầu đó, chị Ngọc chị nhanh chóng nhận ra đây là lĩnh vực phù hợp với mình, quyết tâm chuẩn hóa trình độ chuyên môn. Sau khi tìm hiểu các tiêu chuẩn ngành và chứng chỉ BA, chị bắt tay vào học tập. Kết quả là năm 2020, chị hoàn thành chứng chỉ CCBA và tới năm 2023, chị Ngọc có thêm chứng chỉ CBAP.
“Chị tự đặt chỉ tiêu cho mình mỗi năm hoàn thành tối thiểu 1 chứng chỉ hoặc 1 kỹ năng.”– chị Ngọc quả quyết. Năm 2024 này, chị Ngọc đã hoàn thành Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do ĐHSP Hà Nội cấp.
Cuộc sống vốn dĩ luôn thay đổi, công việc ngày càng thách thức. Team của chị Ngọc không ngừng học tập, chị Ngọc không chỉ phải học như các bạn, học cùng các bạn, mà còn phải là “ngôi sao đi đầu”, như người leader này từng chia sẻ: “Các bạn trong team “lớn” lên mỗi ngày, chị cứ ngồi yên sao được!”
Vậy chị có thể cho độc giả biết: với một quỹ thời gian hạn hẹp, bí kíp cân bằng giữa nhiều vai trò: quản lý, giảng viên, học viên được không ạ?
Chị nhận thấy bản thân mình cũng phải liên tục cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới thì mới có thể hoàn thành công việc, dù là việc quản lý hay chuyên môn.
Mỗi người đều có 24h, nên để cân bằng giữa nhiều vai trò cùng một lúc, học viên, giảng viên, quản lý, chị thường lên danh sách các công việc cần thực hiện rồi sắp xếp độ ưu tiên, từ đó lập ra kế hoạch hàng tháng, hàng tuần.
Với vai trò là quản lý, chị sẽ sắp xếp “trao quyền” cho các bạn cấp dưới có khả năng, việc này khiến các bạn lớn lên trong công việc, còn chị đóng vai trò tư vấn, verify lại kết quả - tức là chị cũng lớn lên trong công tác quản trị, mà lại tối ưu được luồng việc quản lý.
Với vai trò giảng viên thì chị sẽ chuẩn bị sẵn nội dung các buổi học từ đầu tuần, các công tác trong lớp thì lập ban cán sự lớp – những người sẽ hỗ trợ chị các công tác như đôn đốc hoàn thành bài tập, điểm danh lớp,....
Còn khi đã xác định đi học, tại mỗi buổi học, chị sẽ toàn tâm trí cho việc là học viên, tích cực tương tác với thầy cô để nắm được kiến thức ngay từ trên lớp, làm bài tập ngay khi có thể chứ không “để mai tính”. Chị nghĩ là, về lý thuyết, chúng ta chỉ có 24h mỗi ngày, nhưng khi được đặt vào bối cảnh cụ thể, chị tin ai cũng sẽ tìm được cách xử lý và phân bổ nó hiệu quả thôi.
Bạn Nguyễn Thị Thư – Lớp trưởng lớp CCBA chia sẻ: “Chị Ngọc rất tâm huyết và sáng tạo. luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới để giúp chúng mình tiếp thu bài tốt hơn. Ngoài ra chị còn tổ chức thực hành thực tế, trao đổi nhóm và thuyết trình xung quanh chủ đề được học, giúp phát triển kỹ năng mềm của BA. Được học và làm việc trong team chị Ngọc, mình đã học hỏi được rất nhiều điều. Chị Ngọc không chỉ là mentor, còn là một người chị lớn, luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm với chúng mình.”
Các học viên của cô giáo Ngọc kể lại: “Chúng mình rất phục chị Ngọc, nhiều lúc thành thật là chúng mình lười nộp bài, chấp nhận đóng phạt. Nhưng chị Ngọc thì khác, không bao giờ quên soạn bài, soạn đề và luôn đúng giờ mặc dù bản thân chị còn kiêm nhiệm công việc lãnh đạo bận rộn.”
“Động” và “tĩnh”
Việc duy trì sự chuyển động không ngừng trong team mang lại cho chị và các thành viên điều gì?
Với một phòng có đầy đủ các role để phát triển sản phẩm như PM, PO, BA, SA, Dev, Test, và đặc biệt là khi nhiệm vụ là phát triển các hệ thống nền tảng thanh toán, việc liên tục học hỏi và cải tiến là yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công. Các bạn PO ngày đêm miệt mài nghiên cứu thị trường, sản phẩm, xác định ra các key point. PM, BA thì liên tục trau dồi về nghiệp vụ và chuyên môn, tự nâng cấp bản thân. Và toàn bộ team kỹ thuật luôn cố gắng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới và đưa vào công việc, tối ưu hóa công tác phát triển và kiểm thử. Khi tất cả các thành viên đều có chung tinh thần cầu tiến, mỗi cá nhân đều cảm thấy được thúc đẩy và mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung, dù có “tĩnh” đến mấy thì sống trong một tập thể động, các bạn sẽ tự kích hoạt được phần động của mình.
Với các bạn BA – những người thúc đẩy sự thay đổi của tổ chức, doanh nghiệp, việc duy trì chuyển động càng quan trọng, họ luôn không dừng lại ở lý thuyết mà áp dụng ngay vào thực tiễn. Những kiến thức về khơi gợi yêu cầu, về phân tích và quản lý yêu cầu, sau khóa học CCBA, các bạn BA sau khóa học đều áp dụng được luôn vào các dự án của mình và bước đầu mang lại những thay đổi tích cực. Các yêu cầu đã được khảo sát, thu thập thông tin một cách kỹ lưỡng, đầy đủ hơn, các nghiệp vụ được phân tích và xây dựng có chất lượng tốt hơn và việc duy trì, vận hành các yêu cầu được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Sự chuyển động không ngừng này không chỉ là nền tảng để phát triển năng lực của từng thành viên mà còn giúp toàn bộ team ngày càng hoàn thiện, tạo nên môi trường sáng tạo và bền vững.
Cảm ơn chị Ngọc vì cuộc gặp gỡ tuyệt vời này! Nhân dịp tri ân Nhà giáo Việt Nam, Leader Talk chúc cô giáo Ngọc luôn xinh đẹp, tự tin và giữ mãi được ngọn lửa trong team và trong tim của mình!