Viettel sẽ trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu

Trần Hiền Ly đã đăng lúc 10:58 - 26.02.2024

Đây là mục tiêu lớn nhất trong chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Theo đó, Viettel sẽ chuyển dịch từ một tập đoàn lấy viễn thông làm chủ đạo thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu với 4 lĩnh vực chính: Viễn thông; Giải pháp công nghệ thông tin và Dịch vụ số; Nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao; Chuyển phát, logistics và thương mại.

tg_image_920292267

Từ nay đến năm 2030, Tập đoàn sẽ phát triển tập khách hàng, mở rộng phạm vi kinh doanh ra các châu lục trên phạm vi toàn cầu; thực hiện đầu tư, hợp tác kinh doanh với các công ty công nghệ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và sẽ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ra thị trường thế giới.

Tập đoàn đặt mục tiêu hình thành một hệ sinh thái mạnh, đóng vai trò trung tâm kết nối số, trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tiên phong trong ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Để từ đó sánh ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.

Công nghệ 4.0 sẽ được ứng dụng sâu rộng vào mọi lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn như quản lý; kinh doanh; nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho nội bộ và phục vụ khách hàng trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Các lĩnh vực mới sẽ được Viettel khai phá, thúc đẩy phát triển như IoT, y tế công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh,… Qua đó tạo ra nguồn tăng trưởng mới cho Viettel.

tg_image_289285189

Nhiệm vụ chủ yếu của các lĩnh vực theo Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030:

1. Lĩnh vực Viễn thông

Viễn thông trong nước:

  • Triển khai trên diện rộng và thương mại hóa mạng 5G, mạng IoT khi các điều kiện về thị trường cho phép, cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông di động mới trên nền mạng 5G và mạng IoT. Phát triển 4,5 triệu kết nối IoT, chiếm 5 - 10% thị phần IoT trong nước.

  • Xúc tiến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư xây dựng thêm một số tuyến cáp quang biển để mở rộng dung lượng kết nối quốc tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường về băng thông quốc tế.

  • Chuyển dịch các thuê bao viễn thông di động từ mạng 2G, 3G sang mạng viễn thông thế hệ mới 4G, 5G, giải phóng hạ tầng dịch vụ 2G, 3G và dừng kinh doanh theo lộ trình hợp lý.

Viễn thông nước ngoài:

Xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ số trên nền mạng viễn thông, bao gồm 5 dịch vụ: Viễn thông di động, cố định băng rộng, tài chính điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin và nội dung số.

Hạ tầng:

  • Đầu tư vào hạ tầng viễn thông thụ động, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng IoT, hạ tầng đô thị thông minh, năng lượng tái tạo.

  • Xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động 4G, 5G, hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng IoT, hạ tầng đô thị thông minh, năng lượng tái tạo.

2. Lĩnh vực Giải pháp công nghệ thông tin và Dịch vụ số

Giải pháp công nghệ thông tin:

  • Về sản phẩm: Xây dựng các trung tâm dữ liệu siêu lớn, thông minh và xanh đạt tiêu chuẩn hàng đầu thế giới; xây dựng các nền tảng, giải pháp công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số như hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng IoT; phát triển các sản phẩm an toàn thông tin giúp bảo vệ Viettel và Việt Nam trên không gian số.

  • Về dịch vụ: Tập trung kinh doanh các dịch vụ tư vấn, chuyển đổi số đối với khách hàng Chính phủ, doanh nghiệp lớn; tích hợp dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  • Về công nghệ: Làm chủ và áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trong các sản phẩm dịch vụ, giải quyết được các bài toán đặc trưng của Viettel và Việt Nam.

  • Đối với giải pháp an toàn, an ninh thông tin: Bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia với cơ chế giao nhiệm vụ, cơ chế tài chính phù hợp, đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ thiết bị đầu cuối căn cứ theo tình hình thực tế của thị trường.

  • Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Phát triển các nền tảng số chuyên ngành trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.

Dịch vụ số:

  • Xin cấp phép và triển khai các dịch vụ mới (tài chính số, truyền thông và giải trí số…).

  • Đối với các dịch vụ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng:

- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ Mobile Money, đồng thời tận dụng lợi thế sẵn có của Viettel để phát triển mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán rộng khắp.

- Kết nối các dịch vụ khác trong hệ sinh thái dịch vụ số dành cho khách hàng cá nhân của Viettel.

- Hợp tác với các đơn vị được cấp phép để triển khai cho vay tín chấp trên môi trường số để tăng nguồn thu, hướng tới xin cấp phép chủ động kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật.

  • Đối với các dịch vụ Truyền thông và giải trí số:

- Phát triển và kinh doanh nền tảng truyền hình trực tuyến đến người xem thông qua Internet (OTT video), hướng tới tất cả các đối tượng khách hàng.

- Xây dựng cộng đồng trò chơi điện tử (game); tổ chức, tài trợ giải đấu thể thao điện tử với các hình thức kinh doanh là bán gói cước, quảng cáo, tài trợ; từng bước tham gia phát hành game theo nhu cầu thị trường.

- Sản xuất kênh truyền hình và nội dung chất lượng cao để cung cấp cho các nền tảng của Viettel, sau đó sẽ mở rộng phân phối cho bên ngoài theo lộ trình. 

3. Lĩnh vực Nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao:

  • Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ra bên ngoài theo hướng sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng.

  • Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm theo chuẩn quốc tế, trong đó phát triển một số phòng thí nghiệm hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

  • Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ tại thị trường Việt Nam và thế giới.

  • Nghiên cứu, tham gia vào các ngành/lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mới như chíp bán dẫn, năng lượng xanh.

  • Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, trường đại học vệ tinh để sáng chế, sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

4. Lĩnh vực Chuyển phát, logistics và thương mại:

  • Tập trung vào dịch vụ chuyển phát dành cho thương mại điện tử, chuyển phát trong ngày, chuyển phát ngay. Đẩy mạnh và mở rộng dịch vụ chuyển phát, chuyển phát cho thương mại điện tử ra thị trường khu vực.

  • Phát triển dịch vụ kho vận dành cho chuyển phát, hỗ trợ và nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng chuyển phát như: Nhập hàng, lưu hàng hóa, quản lý hàng, xuất nhập kho, hoàn tất đơn hàng…

  • Phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ liên quan đến bưu chính như tài chính bưu chính, trung gian thanh toán.

  • Xây dựng mạng đường trục logistics dùng chung (Mega hub, Hub khu vực…) có tích hợp giải pháp công nghệ 4.0 nhằm tối ưu hoá hoạt động, chi phí và lợi nhuận.

'Cấp trên phải thấm nhuần văn hóa Viettel trước để cấp dưới noi theo'

  • 4642

Chủ tịch Tập đoàn: ‘Cứ tử tế trước, điều tốt đẹp sẽ đến’

  • 2389

Innovative-me 2024 đón chờ những ý tưởng 'độc nhất vô nhị'

  • 58

4 mốc thời gian quan trọng của Innovative-me 2024

  • 29
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua