Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:57 - 09.04.2024
Bày tỏ góc nhìn cá nhân về giá trị cốt lõi “Viettel là ngôi nhà chung”, anh Hồ Việt Hưng, Giám đốc Viettel Hà Nam nhấn mạnh sự tử tế, nhân văn, trách nhiệm của người Viettel. Những từ này mang nhiều ý nghĩa tinh thần, hơi trừu tượng nhưng hiện hữu rất rõ nét ở Viettel. Thực tế Viettel được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá nhiều lần là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, tốt nhất châu Á. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả này là các chế độ đãi ngộ rất tốt của Tập đoàn dành cho CBNV từ trước đến nay, giúp CBNV yên tâm gắn bó, cống hiến.
Theo anh Hồ Việt Hưng, Viettel có lẽ doanh nghiệp làm thường xuyên nhất việc luân chuyển, thay đổi mô hình, tái cơ cấu bộ máy các cấp. “Chúng ta liên tục thay đổi, việc khó ngày càng nhiều, áp lực ngày càng lớn nhưng tôi chưa thấy một người Viettel nào bị ép nghỉ việc. Một người rời Viettel là do thấy bản thân không phù hợp hay không đáp ứng yêu cầu công việc. Và tổ chức thì luôn tôn trọng, ghi nhận đóng góp của từng người dù thời gian gắn bó nhiều hay ít”, anh Hưng nói.
Giám đốc Viettel Hà Nam cũng khẳng định “làm ở Viettel” là niềm tự hào không chỉ của riêng CBNV, mà của cả gia đình và dòng họ. “Người ta hay nói với nhau rằng “Có Viettel mới có ngày hôm nay”. Điều này không phải tự nhiên mà có”, anh Hưng chia sẻ. Một ý nghĩa nữa của “ngôi nhà chung Viettel” mà nhiều người có thể cảm nhận được là mối quan hệ chân thành, tình cảm thương yêu, trong sáng, thật lòng quan tâm của người Viettel với nhau, luôn coi nhau như người thân trong một gia đình.
Trước ý kiến của anh Hồ Việt Hưng về cách ứng xử của người Viettel, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng nhấn mạnh nhiều lần 2 chữ “tử tế”. Từng người tử tế, chính trực sẽ tạo nên một Viettel tử tế, chính trực từ trong suy nghĩ đến hành động. Nếu ai cũng làm bất cứ việc gì với tinh thần, nhận thức ấy, không so đo thiệt - hơn, không tính toán lợi ích cá nhân thì kết quả nhận lại sẽ xứng đáng với nỗ lực và tâm sức.
Tại buổi đào tạo văn hóa ở VTT cũng như nhiều cuộc họp gần đây, Chủ tịch Tập đoàn đã nhắc lại câu chuyện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nhận câu hỏi khó từ kiều bào tại New Zealand vào tháng 3 vừa qua:
“Ở cương vị Thủ tướng, một vị trí với trọng trách rất cao, ông có khó khăn gì? Cũng là một đời người nhưng tại sao Thủ tướng làm Thủ tướng, còn bản thân làm nông dân? Tôi rất tò mò và rất vinh hạnh nếu được nghe những khó khăn của Thủ tướng”.
Cả khán phòng cười ồ, còn Thủ tướng thì thốt lên: “Câu hỏi này khó thật”. Tuy nhiên, Thủ tướng nói: “Chúng ta tôn trọng nhau, có câu hỏi thì cũng phải có câu trả lời”.
Thủ tướng kể mình sinh ra ở miền biển, lớn lên ở miền núi, trong một gia đình rất nghèo, đông con nên phải phấn đấu rất nhiều. Người lớn tuổi, các tổ chức giao việc gì ông đều cố gắng làm tốt; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến, những gì có lợi cho cái chung thì cố gắng làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói mình may mắn trải qua nhiều cương vị, từ lực lượng vũ trang, ngoại giao, dân sự, công tác đảng, công tác chính quyền, làm việc ở trong Nam ngoài Bắc, trong nước và ngoài nước. Tất cả đều do Đảng, Nhà nước phân công và nguyên tắc của ông là “giao gì làm nấy, bảo đi đâu thì đi đấy, không từ chối, không chọn và cũng không ganh đua, cái gì tốt cho mọi người thì làm”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong cuộc đời ngoài nỗ lực của bản thân thì sự giúp đỡ của bạn bè, đồng chí, đồng đội cũng rất quan trọng, tạo điều kiện cho mình phấn đấu và trưởng thành. “Nếu không có Đảng, Nhà nước, nhân dân thì không có mình. Minh chứng là nếu không có Đảng, Nhà nước thì một học sinh miền núi, nghèo như tôi làm sao có tiền đi học nước ngoài”, Thủ tướng nói và kể rằng đã cố gắng phấn đấu thi điểm cao để được chọn du học.
Khi tốt nghiệp về nước, ông được Đảng, Nhà nước phân công nơi công tác, may mắn “đến đâu làm việc thì ở đó, anh em, đồng chí, đồng đội đều hết lòng giúp đỡ, tận tình với tất cả tấm lòng”. Ông cũng không phụ lòng họ, cố gắng làm tốt nhất.
“Sau khi trải qua nhiều vị trí công tác, tôi được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng. Đã được tin tưởng thì phải cố gắng. Trước đây cố gắng một, giờ cố gắng mười để có bản lĩnh, năng lực, phẩm chất, cùng với Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ trưởng làm tốt nhiệm vụ”, Thủ tướng chia sẻ với kiều bào.
Là người đứng đầu Chính phủ, ông có nhiệm vụ cùng với Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tìm ra giải pháp tốt nhất, góp phần cùng cả nước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra. Cụ thể, năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng, nhân dân được hạnh phúc ấm no.
“Câu hỏi này khó trả lời, tôi có gì nói đấy, không mỹ miều, không hình thức. Không biết tôi nói như thế bạn đã hài lòng chưa”, Thủ tướng hỏi.
Cả khán phòng vỗ tay, còn chị Nguyễn Thị Minh - kiều bào đặt câu hỏi đã đứng dậy giải thích bản thân đặt câu hỏi đó vì rất ngưỡng mộ Thủ tướng. “Tôi rất thích câu nói chúng ta không được lựa chọn nơi ta sinh ra, không được lựa chọn ai là cha mẹ mình, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. Những chia sẻ của Thủ tướng khiến tôi rất biết ơn”, chị nói.
Đáp lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại thành ngữ “nước nổi thì bèo nổi”, tức nếu đất nước giàu có thì mỗi người đều giàu, còn nếu mình giàu mà xung quanh toàn người nghèo khó thì cũng chẳng sung sướng gì.
Từ câu chuyện trên, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng nhắc nhở đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý của VTT, rộng hơn là CBNV Viettel: “Chúng ta hãy cứ là những người tử tế trước, cho đi trước, vì tập thể trước. Điều tốt đẹp rồi sẽ đến với mình, không trước thì sau. Đấy là tinh thần tôi muốn mỗi người Viettel ghi nhớ”.