Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:00 - 31.07.2023
Nếu không đương đầu với thách thức, Viettel sẽ trở thành công ty trung bình
Đó là quan điểm được đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ với CBNV Viettel để mỗi tập thể, mỗi cá nhân không có tâm lý tìm kiếm sự an toàn, hưởng thụ.
Bộ trưởng nhắc lại việc Viettel ra đời trong khó khăn, lớn lên trong khó khăn, thành công và trở thành xuất sắc cũng là nhờ khó khăn, nhờ tinh thần phụng sự Tổ quốc, nhờ sự dấn thân vào những vùng đất mới, nhờ sự sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.
Theo đó, Viettel sẽ trở thành công ty trung bình nếu không tiếp tục đương đầu với những thách thức mới, nếu không tự tạo ra những thách thức mới cho chính mình, nếu không tiếp tục nhận những nhiệm vụ chiến lược mới của đất nước. Một công ty trung bình, không có nhiệm vụ chiến lược quốc gia thì không nên là doanh nghiệp nhà nước.
Khi làm viễn thông, Viettel đã đặt ra và đạt mục tiêu phổ cập mỗi người Việt Nam một chiếc điện thoại di động.
Khi đầu tư ra nước ngoài về viễn thông, Viettel đã lọt vào top 20 các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về đầu tư viễn thông, sánh vai với các nước đã phát triển.
Khi làm CNTT, Viettel đã thay đổi lĩnh vực này từ đầu tư sang thuê dịch vụ CNTT.
Khi làm công nghiệp công nghệ cao, Viettel đã gây cảm hứng cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Việt Nam có thể làm chủ, có thể nghiên cứu sản xuất được các thiết bị công nghệ cao (như thiết bị 4G/5G), có thể làm được công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Viettel đã dẫn đầu phong trào các doanh nghiệp Việt Nam sau khi thành công ở mảng thương mại, dịch vụ, ngân hàng, bất động sản thì chuyển sang làm công nghiệp, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã đi theo Viettel. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi chiến lược từ doanh nghiệp thương mại thành doanh nghiệp thương mại - dịch vụ - công nghiệp và công nghệ. Tức là, đi từ ngọn xuống gốc. Từ đứng trên vai người khổng lồ, Viettel đã chủ động để người khác đứng trên vai mình. Và như vậy, Viettel mới bền vững.
Khi làm an toàn, an ninh mạng, Viettel đã đạt thứ hạng quốc tế cao, góp phần để Việt Nam lọt vào top 30 thế giới, làm chủ trên 95% các sản phẩm an toàn, an ninh mạng và hướng tới cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Tuy nhiên những năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Viettel đang gặp nhiều thách thức. Các không gian mới chưa được mở ra một cách mạnh mẽ. Không gian chủ đạo là viễn thông thì tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng. Các không gian ngoài viễn thông đã được mở ra nhưng tăng trưởng chưa đủ nhanh, hành động chưa đủ quyết liệt để biến chúng thành không gian chính.
5 không gian mới cho Viettel
Trước những lợi thế và khó khăn của Tập đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra 5 “vùng đất mới” để Viettel tiếp tục tự tin dấn thân. 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025 và đến 2030 sẽ vượt xa viễn thông.
“Đây sẽ là các không gian tăng trưởng chính của Viettel trong 10 năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ nhất: Điện toán đám mây. Điện toán đám mây sẽ là thành phần chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm. Cứ mỗi 3 năm, dữ liệu lại tăng gấp đôi. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Hạ tầng điện toán đám mây sẽ quyết định việc dữ liệu Việt Nam sẽ được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam.
Đầu tư của Viettel vào điện toán đám mây phải tương đương với đầu tư viễn thông, nhưng hiện nay mới bằng 5-10% viễn thông. Để xứng đáng là một doanh nghiệp hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, Viettel phải đầu tư những trung tâm dữ liệu lớn với dung lượng 10-15.000 racks, 200-300.000 máy chủ. Hiện nay, cả 13 trung tâm dữ liệu vừa và nhỏ của Viettel với tổng số 9.000 racks vẫn chưa bằng một trung tâm dữ liệu lớn. Trong số hàng ngàn trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn của thế giới thì Việt Nam chưa có cái nào.
Thứ hai: Các nền tảng số cung cấp các công nghệ số cốt lõi như là dịch vụ, các nền tảng số có tính hạ tầng trên không gian mạng. Đây là một loại hạ tầng mới trên không gian mạng. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá để chuyển đổi số Việt Nam. Viettel phải phát triển các nền tảng số quốc gia được sử dụng trên toàn quốc, tất cả các bộ ngành và địa phương dùng chung một nền tảng số của Viettel. Viettel không nên làm những phần mềm đơn lẻ. Nghề chính của Viettel là nghề cung cấp hạ tầng, trước là hạ tầng viễn thông, nay là hạ tầng số.
Trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam. Viettel hãy nhận lấy một sứ mệnh mới là làm chủ công nghệ số, làm chủ nền tảng số của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.
Thứ ba: Thương mại điện tử. Trọng tâm là dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics, mua bán online. Tăng trưởng ở đây là 20-25%/năm. Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 đã là 16 tỷ $, tăng đều đều 20-25%/năm, nhưng cũng chỉ mới chiếm 7,5% doanh thu hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Không gian ở đây là rất lớn.
Viettel nên lưu ý, bưu chính thì không chỉ là chuyển phát mà gốc phải là tạo ra thương mại điện tử, mua bán online. Không làm cái gốc mà chỉ làm cái ngọn thì rồi sẽ không còn chỗ sống. Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đã tự tổ chức làm chuyển phát làm cho thị phần của các doanh nghiệp chuyển phát giảm mạnh. Viettel hãy tận dụng cơ hội của các công nghệ mới đang làm thay đổi căn bản mua bán online để Tổng Công ty Bưu chính Viettel chuyển hoạt động SXKD từ ngọn xuống gốc.
Thứ tư: Nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao, là Make in Vietnam. Nó bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, IoT, thiết bị y tế, thiết bị năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời) và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Sau công nghiệp, nghiên cứu sản xuất thiết bị, Viettel nên chuyển xuống tầng dưới cùng là làm chủ công nghệ cốt lõi, làm chủ công nghệ nguồn. Thiết kế chip là một trong những bước tiến đầu tiên của Viettel về làm chủ công nghệ nguồn.
Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Đây là một ngành công nghiệp cốt lõi, nền tảng của đất nước. Viettel hãy là một doanh nghiệp quan trọng trong chiến lược này.
Công nghiệp và công nghệ sẽ là đóng góp lớn nhất của Viettel cho đất nước và sẽ trở thành mảng kinh doanh lớn nhất của Viettel trong tương lai.
Thứ năm: Công nghiệp và dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng thì giống như công nghiệp quốc phòng trong thế giới thực. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải nhờ vào sự thịnh vượng trên không gian mạng, đó là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và sự thịnh vượng đó phải được bảo vệ.
Kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, 20-25%/năm, gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP và trở thành động lực tăng trưởng chính. Việt Nam muốn thịnh vượng thì bắt buộc phải thịnh vượng trên không gian mạng. Do vậy, Việt Nam có thể và cần phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Viettel đã là doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng hàng đầu Việt Nam thì hãy tiếp tục tiên phong nhận lấy sứ mệnh này - sứ mệnh xây dựng một cường quốc an toàn, an ninh mạng để có thể bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
“5 không gian trên là cơ hội giúp Viettel tăng trưởng nhiều lần trong vòng 10 năm tới. Những không gian mới rất lớn, Viettel hoàn toàn có thể tăng trưởng nhiều lần chứ không phải nhiều phần trăm”, Bộ trưởng nhấn mạnh tại buổi tọa đàm với CBNV Viettel.
Viettel có thể làm gì để chuyển đổi số Việt nam?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Viettel là doanh nghiệp đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bởi Viettel đang sở hữu những thành tố cơ bản để công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chuyển đổi số là phổ cập. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì nên đi đều 2 chân: Một là, phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là đi nhanh về cái mới thông qua một số thí điểm. Từ cái mới đã được thí điểm thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập.
Chuyển đổi số là toàn dân và toàn diện, tức là phải phổ cập. Từ thí điểm phải đi đến phổ cập. Thí điểm mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi và sẽ không có chuyển đổi số. Làm chuyển đổi số, Viettel cần đặc biệt coi trọng sự phổ cập.
Chuyển đổi số tạo ra kinh tế số và kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính. Kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2024, nhanh hơn một năm so với mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra. Quy mô kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp cận 100 tỷ đô vào năm 2025. Trong số 100 tỷ đô này thì 50% là từ ICT và 50% là từ kinh tế số các ngành. Nhưng về lâu dài, tỷ lệ kinh tế số của các ngành trong kinh tế số sẽ tăng và sẽ chiếm tới 70-75%.
Để tạo ra 50 tỷ đô kinh tế số ngành thì phải chi cho chuyển đổi số là 30%, tức là 15 tỷ đô. Trong khi đó, chi cho chuyển đổi số từ ngân sách nhà nước chỉ hơn 1 tỷ đô. Như vậy là thị trường chuyển đổi số thì 95% là khu vực tư nhân, 5% là khu vực nhà nước.
Viettel nên xác định thị trường chính, trận địa chính của chuyển đổi số là phần 95% chứ không nên đặt trọng tâm vào khu vực 5%. Khu vực 95% chắc chắn là khó hơn, cạnh tranh hơn. Làm ra một nền tảng số như mạng xã hội Facebook khó hơn nhiều so với phần mềm quản lý văn bản mà Viettel đang bán cho các tỉnh. Nhưng Viettel có thể điều chỉnh chiến lược để làm phần khó hơn.
Viettel sẽ là tập đoàn tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết TW 6 Khoá XIII của Đảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa là chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất. Hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn diện, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công cuộc lớn của Đảng và Nhà nước ta. Là ước mơ lớn của dân tộc ta để sánh vai cường quốc năm châu. Viettel là một doanh nghiệp quan trọng bậc nhất trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vì Viettel đang nắm trong tay hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số và nhân lực số - là những thành tố cơ bản để công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông về hạ tầng số:
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Kinh tế số, Xã hội số và Công dân số.
Năm 2023 này là năm thương mại hoá 5G và điện toán đám mây. 5G và điện toán đám mây là hai thành tố quan trọng vào loại bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay, để đến 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và điện toán đám mây hiện đại, thuộc nhóm 50 các nước dẫn đầu.
‘Mỗi thế hệ Viettel hãy kể câu chuyện của mình’
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tổ chức nào cũng vậy, muốn đi xa, muốn ngày mai huy hoàng hơn ngày hôm qua thì phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai.
“Mỗi thế hệ Viettel hãy kể câu chuyện của thế hệ mình. Cái cần kế thừa là truyền thống, là văn hoá, là tinh thần, là giá trị cốt lõi và là triết lý phát triển của Viettel”, Bộ trưởng gợi ý.
Viettel sẽ có nhiều đổi mới, nhiều cải cách, Viettel sẽ đi xa hơn, và để làm được việc đó một cách bền vững, có bản sắc thì Viettel hãy ghi nhớ và gìn giữ những tư tưởng, những giá trị cốt lõi và truyền thống, văn hoá mà thế hệ đi trước đã dựng xây nên.
Muốn ứng vạn biến thì phải dĩ bất biến. Giữ cái bất biến chính là giữ lấy bản sắc của mình. Bản sắc là cái để giữ gìn chứ không phải là cái để thay đổi. Bản sắc cũng chính là cái cốt lõi nhất để cạnh tranh thành công. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc, nếu đứt sợi dây này thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống.
Mở ra tương lai là mở ra các không gian phát triển mới, là mở ra những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới.
Theo Bộ trưởng, nếu Viettel không mở ra các không gian phát triển mới thì các thế hệ người Viettel sẽ từ F1 thành F2, rồi F3, F4... Nhưng khi có không gian mới, có thách thức mới là có cơ hội sinh ra F1 mới. Chỉ có tinh thần mỗi thế hệ đều là F1, F1 sinh ra F1, chứ không phải F1 sinh ra F2, thì Viettel mới trường tồn.
Chỉ có đương đầu với các thách thức mới, sáng tạo ra tương lai mới thì một tổ chức mới trường tồn. Nếu thế hệ lãnh đạo kế cận không được giao việc mới thách thức hơn để họ làm từ đầu thì họ sẽ có xu thế trở thành F2. F1 làm được một việc vĩ đại rồi nghĩ ra một việc vĩ đại hơn để giao cho thế hệ kế cận. Thế hệ kế cận này thành công thì khi đó F1 đã sinh ra F1 còn hơn cả mình.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt Chính phủ, đã giao cho Viettel một việc rất cụ thể nhưng lại có ý nghĩa và ảnh hưởng rất sâu rộng đến quản trị quốc gia. Đó là phát triển trợ lý ảo cho công viên chức nhà nước. Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất mà AI mang lại, nhất là khi xuất hiện “generative AI” dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, là trợ lý ảo.
Trợ lý ảo là đặc biệt hữu dụng đối với các loại lao động dựa trên quy định, như các công chức nhà nước vốn chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Với cả một “rừng” các quy định thì trợ lý ảo sẽ giảm tải, giảm gánh nặng, giảm rủi ro pháp lý, tăng chất lượng, tăng năng suất lao động cho các công viên chức nhà nước.
Trợ lý ảo đã được phát triển từ rất lâu, nhưng chỉ khi xuất hiện mô hình ngôn ngữ lớn thì mới có sự phát triển mang tính đột phá. Trợ lý ảo cho hệ thống công viên chức nhà nước là một bước tiến lớn của chính phủ số. Việc xây dựng trợ lý ảo cho công viên chức nhà nước sẽ đi cùng với phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt.
Đây chính là một nền tảng số quốc gia mà các doanh nghiệp lớn như Viettel làm chủ. Các doanh nghiệp công nghệ số khác sẽ dựa trên nền tảng này để phát triển các ứng dụng trợ lý ảo. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Viettel, đứng đầu là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn coi đây là một nhiệm vụ chiến lược quốc gia mà Chính phủ giao cho Viettel.
Thế hệ lãnh đạo của Viettel hôm nay là một thế hệ mới. Thế hệ đầu tiên sinh năm đầu 4, rồi sau đó là đầu 5, đầu 6 và bây giờ là đầu 7.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Viettel hãy giữ lấy các giá trị cốt lõi cội nguồn, nhưng cho chúng nội hàm mới của thời đại mình và hãy sáng tạo ra tương lai của mình. Quá khứ huy hoàng có thể là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một nền tảng tốt cho những giấc mơ lớn hơn”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chỗ điểm mấu chốt là giấc mơ phải lớn hơn. Điểm xuất phát mà tốt hơn thế hệ trước thì giấc mơ phải lớn hơn thế hệ trước.
10 năm đầu tiên, từ năm 1990 đến năm 2000, Viettel là công ty thương mại và xây lắp các công trình viễn thông.
10 năm tiếp theo, từ năm 2000 đến năm 2010, Viettel là doanh nghiệp dịch vụ viễn thông.
10 năm thứ ba, từ năm 2010 đến năm 2020, Viettel là tập đoàn công nghiệp.
Cả ba chặng đường này, Viettel luôn là số 1.
10 năm thứ tư, từ năm 2020 đến năm 2030, Viettel sẽ viết lên một trang mới. Đó là một tập đoàn toàn cầu về công nghiệp công nghệ số, tham gia tích cực vào 2 chuyển đổi lớn nhất mang tính thế kỷ của nhân loại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Viettel nên đi xuống tầng dưới cùng là phát triển công nghệ nguồn.
“Viettel hãy để những người khác đứng trên vai mình, hãy tạo ra những công nghệ, nền tảng để người khác dựa trên đó mà sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng ở Viettel và định hướng để phát triển nhanh và bền vững, Viettel phải lấy công nghệ số làm lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số làm nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số làm động lực cơ bản.
Nguyên Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn cũng khuyên tập thể CBNV Viettel hôm nay hãy đi con đường của mình, hãy đến một đích mới, hãy viết nên một trang mới nữa. Hãy cứ 10 năm là một lần tái tạo Viettel mới.