Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:03 - 28.10.2024
Phát biểu tại buổi làm việc của Bộ TT&TT với Tập đoàn vừa qua, Thứ trưởng Phan Tâm bày tỏ sự ấn tượng với tinh thần không gì là không thể của Viettel và mong muốn Viettel sẽ đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2025.
“1% tăng trưởng thêm của Viettel có ý nghĩa rất lớn, có tác động lan tỏa rất mạnh mẽ đối với ngành, với nền kinh tế đất nước và với cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng khẳng định tầm vóc ảnh hưởng của Viettel và cho rằng, Viettel cần đặt mục tiêu thách thức hơn, xuất sắc hơn trong giai đoạn mới, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển dịch sang lĩnh vực giải pháp số thay vì lấy viễn thông làm trọng tâm phát triển.
Về công nghệ số, tên gọi của Viettel đã có chữ “công nghiệp” và Tập đoàn đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào, ở chặng đường sắp tới, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Viettel bổ sung thêm yếu tố công nghệ số và năng lực làm chủ. Viettel đã đầu tư vào mảng này, coi là trụ cột chiến lược nhưng cần đặt thêm mục tiêu cao, tăng tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển, tăng số lượng sáng chế, tăng tỷ trọng doanh thu,… qua đó giúp cho công nghệ của đất nước lên tầm cao mới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Đức Long, hoạt động SXKD của Viettel đã có chiến lược hiệu quả, tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của thị trường viễn thông - CNTT Việt Nam. Thứ trưởng muốn Viettel phát huy và nâng cao vị thế, vai trò của mình đối với đất nước trong kỷ nguyên số.
Cho rằng các nhà mạng khác đang chậm khởi động kế hoạch 5G, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh Viettel cần nhanh chóng phát triển 5G với mục tiêu quy mô phủ sóng tương đương 50% so với mạng 4G để đảm bảo trở thành hạ tầng số quan trọng vì dự báo thiết bị đầu cuối 5G sẽ có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian tới.
Cùng với đó, Viettel nên thúc đẩy phổ cập chữ ký số cá nhân bẳng cách cung cấp chữ ký số chotất cả thuê bao của Viettel, coi đây là giải pháp kinh doanh, là phương thức chăm sóc khách hàng mới. “Hạ tầng số có thể tạo ra rất nhiều cách tiếp cận khác nhau để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Về hạ tầng công nghệ, Viettel đang có đầy đủ tài lực, nhân lực, vật lực nên xung phong nhận trách nhiệm làm chủ một số công nghệ tiên tiến như AI, Cloud,… “Biết là khó, muốn làm từ lâu nhưng chưa thực sự dốc sức và kết quả như kỳ vọng. Rất mong Viettel đầu tư, phấn đấu làm chủ các công nghệ cốt lõi để đất nước không phụ thuộc vào nước ngoài”, Thứ trưởng nêu suy nghĩ, đồng thời mong muốn Viettel tham gia giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia như đề án về bác sĩ AI.
Từng có chuyến công tác tại thị trường Mozambique, Thứ trưởng Phạm Đức Long chúc mừng Movitel đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần và hy vọng lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel sẽ có thêm nhiều kết quả tốt đẹp.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xử lý vấn đề sim rác. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý với Cục Viễn thông cần có quy định rõ ràng và cân nhắc trong quá trình thanh tra, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tế để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp viễn thông.
Về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới phê duyệt ban hành ngày 21/9/2024, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ quan điểm muốn có doanh nghiệp nhà nước như Viettel làm đầu tàu, Bộ TT&TT sẵn sàng đồng hành, phối hợp để phục vụ mục tiêu làm chủ nghiên cứu, sản xuất chip bán dẫn của đất nước.
Công thức cho Chiến lược Bán dẫn Việt Nam: C = SET + 1
Trong đó:
C: Chip (Chip bán dẫn)
S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng)
E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử)
T: Talent (Nhân tài, Nhân lực)
+ 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
"][/info-background-form]