Viettel Digital Finance Platform: Nền tảng lõi tài chính ngân hàng thế hệ mới

Trần Hiền Ly đã đăng lúc 09:49 - 29.02.2024

VDFP phát triển đã cho thấy hướng đi đúng đắn của Viettel trong việc bước chân vào thị trường next-gen core banking, khẳng định cho trí tuệ, bản lĩnh của người Việt với những sản phẩm Make in Vietnam – Make by Viettel.

Với 52 triệu thuê bao đăng ký cùng cột mốc doanh thu 360 triệu USD trong năm 2023, Viettel Digital Finance Platform (VDFP) - bộ giải pháp nền tảng tài chính số do Tổng công ty dịch vụ số Viettel (VDS) phát triển đã cho thấy hướng đi đúng đắn của Viettel trong việc bước chân vào thị trường next-gen core banking. Cùng với đó là khẳng định cho trí tuệ, bản lĩnh của người Việt với những sản phẩm Make in Vietnam – Make by Viettel. 

Từ E–wallet 1.0 đến Viettel Digital Finance Platform

Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính số, từ năm 2015, Viettel đã có chủ trương đầu tư dịch vụ Mobile Money (tiền di động) tại thị trường nước ngoài. Điểm đến đầu tiên của Viettel là Tanzania – quốc gia ở Đông Phi với hơn 50 triệu dân. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển Mobile Money tại thị trường này, đội ngũ R&D của VDS nhận thấy nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng nước sở tại như: nền tảng công nghệ thông tin còn hạn chế, người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản,... điều này dẫn tới hiệu quả lưu thông tiền tệ còn thấp, cản trở điều kiện phát triển kinh tế xã hội. 

Giải quyết bài toán này, Viettel cho ra mắt ví điện tử E-wallet 1.0, rồi sau đó được nâng cấp lên phiên bản 2.0. Với những đặc tính nổi trội của mình, E-wallet đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động kinh doanh tại các thị trường của Viettel bao gồm: Tanzania, Campuchia, Lào, Đông Timor, Myanmar, Burundi và Haiti. 

Screenshot 2024-02-26 081713

Đến năm 2020, song hành cùng sự thay đổi chóng mặt của công nghệ lõi, nhiều xu hướng mới đã được hình thành, định hình tương lai của ngành tài chính số tương lai: 

  • Xu hướng thanh toán không tiền mặt: thương mại điện tử, kinh tế số là những tác nhân thúc đẩy cho việc này. Số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm (lên đến khoảng 20-30%)

  • Xu hướng hệ sinh thái: Khái niệm ví điện tử dần được mở rộng ra. Không còn chỉ là nơi lưu trữ giá trị, chuyển tiền cơ bản, mà trở thành một nền tảng đa dịch vụ, nơi mọi nhu cầu của người sử dụng được đáp ứng, từ thanh toán online/offline, đến vay, tiết kiệm, đầu tư,...

  • Xu hướng mobile-first: trong bối cảnh các ứng dụng mobile đang thiết lập nên những tiêu chuẩn rất cao trong kỳ vọng của người dùng, thì trải nghiệm người dùng đóng vai trò ngày càng quan trọng. Người dùng mong muốn trải nghiệm của họ trong lĩnh vực tài chính số cũng phải thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, và liền mạch trên chiếc điện thoại. Từ đó họ sẽ không cần phải ra điểm giao dịch vật lý nhiều nữa. Như vậy, trải nghiệm trên kênh kỹ thuật số (điển hình là mobile) sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng.

  • Xu hướng phân tích dữ liệu: Sự “tiến hóa” trong lĩnh vực phân tích dữ liệu & dữ liệu lớn, cho phép những ngân hàng/ tổ chức tài chính nhìn ra được các đặc điểm quan trọng về khách hàng mà trước kia họ không nhìn ra, từ đó họ có cơ hội để gia tăng giá trị mang lại cho khách hàng hiện tại, hay tìm ra những phân khúc khách hàng mới.

Mặt khác, ở thời điểm này, tại các thị trường Viettel đầu tư, giải pháp E–wallet 2.0 dần bộc lộ những yếu điểm về kiến trúc, hiệu năng, khiến cho việc nâng cấp/chỉnh sửa ngày càng tốn nhiều nỗ lực và thời gian, không bắt kịp kỳ vọng của kinh doanh. Những vấn đề này không chỉ gặp phải ở E–wallet 2.0, mà cả những ngân hàng nói chung cũng gặp phải, nguyên do từ việc sử dụng những hệ thống Core (lõi) cổ điển được phát triển từ những năm 1980 (và vẫn sử dụng đến tận bây giờ)

Như vậy, việc chuyển đổi công nghệ lõi gần như là cách duy nhất để các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể giải quyết nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường, trong khi vẫn giữ được tính ổn định và độ tin cậy cần có của một hệ thống tài chính truyền thống. Và đó chính là lý do để VDS thôi thúc, cho ra đời một sản phẩm mới, đột phá, theo kịp xu thế thế giới với tên gọi Viettel Digital Finance Platform (VDFP).

MACH – Cách tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế

ADS_9550

VDFP ra đời đồng thời giúp VDS giải song song hai bài toán: Một là phục vụ chính những công ty ví điện tử tại các thị trường hiện tại và hai là hướng tới tham gia thị trường next-gen core banking.

Next-gen core banking hay Next-gen core platform – thuật ngữ được đưa ra đầu tiên bởi công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey được hiểu là nền tảng lõi thế hệ mới sẽ định hình ngành tài chính/ngân hàng trong tương lai. Next-gen core platform được phát triển trên cách tiếp cận MACH (Microservice - API first - Cloud Native - Headless): trong đó

M - Microservice: Tiếp cận mang tính kiến trúc và tổ chức để phát triển phần mềm trong đó hệ thống lớn được chia thành nhiều service độc lập giao tiếp qua các API được xác định rõ ràng. Mỗi dịch vụ này được xây dựng và sở hữu bởi một team khác nhau trong dự án.

A - API first: Tiếp cận lấy sản phẩm làm trung tâm để phát triển API. Cách tiếp cận này xem vai trò của API là các sản phẩm riêng biệt, thay vì tích hợp trong các hệ thống khác. Mục tiêu tổng thể là tạo ra một bộ API mô-đun, có thể tương tác, khi kết hợp sẽ tạo ra một nền tảng API thúc đẩy phát triển.

C - Cloud Native: Cách tiếp cận phát triển phần mềm, triển khai và quản lý các ứng dụng hiện đại trong môi trường điện toán đám mây. Các công ty hiện đại muốn xây dựng các ứng dụng có khả năng mở rộng cao, linh hoạt mà họ có thể cập nhật nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để làm như vậy, họ áp dụng các công cụ và kỹ thuật trên cơ sở hạ tầng đám mây. Ứng dụng được xây dựng trên nền tảng đám mây, qua đó việc cập nhật sẽ có thể được thực hiện dễ dàng, thường xuyên mà không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ. Qua đó, vừa phát huy sự sáng tạo, vừa giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh. 

H – Headless: Tách rõ, phân tầng những phần nghiệp vụ core, tách rời phần backend và front-end, giao tiếp với nhau qua API. Kiến trúc phân tầng cho phép những module core (vốn cần tính ổn định và độ tin cậy, bảo mật cao) kết nối lỏng lẻo (loose coupling) với phần ứng dụng người dùng cuối (vốn cần kết nối với nhiều hệ thống public và thay đổi thường xuyên), hỗ trợ tối đa cho việc mở rộng, nâng cấp cục bộ theo nhu cầu phát triển.

Cách tiếp cận đã có, thách thức tiếp theo mà đội ngũ phát triển của VDS cần phải giải quyết là việc phải phát triển một nền tảng tiên tiến, có tính ứng dụng cao trên thị trường, có khả năng tích hợp và bổ trợ cho hệ sinh thái sản phẩm Viettel đang khai thác trên toàn thế giới với chi phí hợp lý nhất. Bên cạnh đó, nền tảng cũng cần có được khả năng tích hợp tốt với nền tảng hạ tầng viễn thông của các nhà mạng, giúp tối ưu khai thác nguồn dữ liệu viễn thông, tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà mạng tiến tới phát triển hệ sinh thái dịch vụ số/tài chính số.

Viettel Digital Finance Platform – Trí tuệ, bản lĩnh của người Việt

Với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông của Viettel và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính), VDS phát triển VDFP như một bộ giải pháp nền tảng tài chính số dành cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các công ty Fintech, ngân hàng thế hệ mới (neobanks) xây mới hoặc chuyển dịch công nghệ sang xu hướng modern core banking platform.

ADS_2872

  1. Module core: Được xây dựng với lõi là engine thanh quyết toán mà VDS đã có kinh nghiệm xây dựng trong 8 năm, hỗ trợ các loại giao dịch phổ biến như thanh toán, chuyển khoản, thu chi hộ,... Những giao dịch nhiều bước phức tạp có thể được tách nhỏ và cấu hình linh hoạt; Sẵn sàng cho xu hướng openAPI, openbanking, và mở rộng sang các nghiệp vụ tài chính khác như bảo hiểm số, tín dụng số, đầu tư số,... VDFP cung cấp lớp portal (cổng) dành cho các đối tượng: nhà lập trình viên (developer portal), kinh doanh (business portal), người quản trị vận hành bảo mật hệ thống (Dev-Sec-Ops portal). Các cổng này cung cấp cho các đối tượng sử dụng khả năng cấu hình thuận tiện, cũng như có thể kiểm tra nguyên nhân lỗi thông qua sự hỗ trợ của AI và các công cụ giám sát tích hợp.

  2. App Engagement Platform: VDFP cung cấp một ứng dụng nền (base application) xây dựng trên ngôn ngữ React Native để khách hàng có thể tự phát triển trên lớp base đó thành nhiều đối tượng/nghiệp vụ khác nhau, với các thư viện tích hợp sẵn những đầu chờ cho hệ thống vận hành phía dưới. Những nghiệp vụ dùng chung như thông báo ứng dụng, quản lý tiến trình, quản lý mã lỗi được gom nhóm thành thư viện chung.

  3. Hệ thống hỗ trợ kết nối đối tác: Một hệ thống độc lập hỗ trợ việc tích hợp đối tác, bao gồm bộ công cụ tự phục vụ (self-service) và công cụ kiểm thử tự động/kiểm thử môi trường hộp cát (sandbox) giúp cho đối tác có thể chủ động tích hợp lên danh mục sản phẩm.

  4. Lớp dữ liệu: VDFP sở hữu năng lực thu thập dữ liệu nhiều chiều từ khách hàng, hỗ trợ xây dựng báo cáo, làm cơ sở cho những sản phẩm khác dựa trên dữ liệu, từ đó giúp tổ chức tài chính mang lại nhiều giá trị hơn cho các đối tượng sử dụng.

VDFP có thể được triển khai linh hoạt trên đám mây công cộng, riêng tư, hỗn hợp hoặc triển khai tại hạ tầng riêng của tổ chức tài chính, tùy nhu cầu. Toàn bộ hệ thống được thiết kế dựa theo quan điểm MACH, và các tiêu chuẩn theo xu hướng thế giới, do đó nền tảng có thể được đóng gói từng phần hoặc đóng gói toàn bộ, từ đó đáp ứng được mong muốn đa dạng của khách hàng.

Với sự ưu việt của mình, VDFP sẽ mang đến trải nghiệm thân thiện, an toàn, hiện đại cho người dùng, tăng cường cá nhân hóa dịch vụ. Với các tổ chức tài chính, VPFD cho phép khai thác và bảo mật dữ liệu tốt hơn, gia tăng hiệu quả phục vụ khách hàng, tăng tốc độ launching tính năng, tiết kiệm chi phí xây dựng hệ sinh thái sản phẩm tài chính. Xa hơn, VDFP còn mang đến sự phát triển thông thương, tiền tệ và tài chính địa phương, gián tiếp góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Screenshot 2024-02-29 120035

Đặc biệt với các nhà mạng viễn thông kinh doanh trong lĩnh vực tài chính số, VDFP có lợi thế khi được phát triển dựa trên hành vi người dùng, dễ dàng tích hợp vào hệ thống sẵn có của nhà mạng viễn thông, giúp nhà mạng nhanh chóng triển khai được trên tệp người dùng sẵn có. Qua đó, giúp cho các nhà mạng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và gia tăng thị phần. 

Được bắt đầu triển khai vào năm 2022, đến cuối năm 2023, VDFP đã chính thức được hoàn thành và ra mắt tại thị trường Tanzania, mở ra một chương mới trong hành trình phát triển sản phẩm ví điện tử tại nước ngoài của Viettel (Tính đến tháng 9/2023, doanh thu trong lĩnh vực này đến từ 7 thị trường đã đạt mốc 360 triệu USD. Tổng số lượng thuê bao đăng ký là 52 triệu thuê bao, dòng tiền chảy qua hệ thống đạt trung bình 30 tỷ đô/năm).

Ngoài 7 thị trường hiện tại, VDS cũng đang đặt mục tiêu hướng đến cung cấp sản phẩm cho các ngân hàng/Fintech tại các nước đang phát triển khác, thành đối tác chiến lược trong quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng/tổ chức tài chính, tham gia mạnh mẽ vào thị trường next-gen core banking/finance platform. Với những thành quả có được, tháng 12/2023, VDFP vinh dự đạt Giải Đồng Make in Vietnam cho hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài. Cùng với đó, VDPF cũng là sản phẩm được VDS mang đến Hội nghị Di động thế giới (MWC 2024) để giới thiệu với bạn bè trên toàn thế giới.

VDFP ra đời với 100% trí tuệ Việt Make in Vietnam - Made by Viettel (từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm cho đến xây dựng và triển khai; từ Front-end đến Back-end, hạ tầng), VDFP là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam cung cấp bộ giải pháp toàn trình end-to-end theo xu hướng modern banking, đáp ứng theo những quan điểm thiết kế sản phẩm hiện đại trên thế giới, có khả năng tích hợp tốt với các nền tảng CNTT và sản phẩm sẵn có trong hệ sinh thái Viettel hiện tại, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ Viettel, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh và bước chân vào thị trường mới - thị trường next-gen core banking cho VDS. 

“Khám răng cá sấu" - Rinh ngay quà khủng tại VDS

  • 2503

Tận hưởng đặc quyền vượt trội với các gói dịch vụ mới trên Viettel Money

  • 1
  • 2441

Viettel Money hợp tác với Cake by VPbank ra mắt sản phẩm: Ví trả sau

  • 196

Lan tỏa yêu thương với tính năng thiện nguyện trên Viettel Money

  • 73
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua