Nguyễn Phương Mai đã đăng lúc 17:59 - 25.06.2024
" Hành động thật nhanh và phá vỡ những rào cản. Nếu chưa phá được gì, tức là bạn chưa đủ nhanh” - Mark Zuckerberg.
Từ một BU Thị trường nước ngoài thuộc khối Digital của Tổng công ty Viễn thông Viettel (VTT), với 10 nhân sự cố định, 2 dãy bàn tại Văn phòng Giang Văn Minh, hỗ trợ 6 thị trường, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế đã chuyển mình trở thành một trung tâm độc lập thuộc Tổng công ty dịch vụ số Viettel. 5 năm trôi qua, nhờ tinh thần học hỏi liên tục, làm việc hết mình, Trung tâm đã phát triển không ngừng. Khởi nguồn cho sự vươn mình lớn mạnh ấy, đều đến từ tinh thần dám nhận, dám làm và dám phá vỡ rào cản.
Dám nhận việc
Trước khi kinh doanh mảng Ví điện tử tại thị trường trong nước, Viettel đã “đánh chiếm” thị trường nước ngoài từ 2016 với dịch vụ HaloPesa tại Tanzania, ví điện tử e-Mola ở Mozambique, ví điện tử eMoney tại Cambodia và ví điện tử Lumicash ở Burundi. Những thị trường kinh doanh ví điện tử nêu trên đều có đặc điểm chung là những nước phát triển chậm hơn Việt Nam. Do vậy, bài toán đặt ra ở đây là giá dịch vụ phải phù hợp với thu nhập của người dân, đồng thời phải giải quyết được “pain point” là độ phủ Ngân hàng thưa thớt và người dân không được tiếp cận với những tổ chức tài chính chính thống. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp lý cũng là một rào cản lớn khiến Viettel khó tiếp cận lĩnh vực này.
Mặc dù chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh Ví điện tử, nhưng đội ngũ lãnh đạo BU và khối Digital vẫn mạnh dạn nhận việc, đúng như bộ gen đặc biệt có sẵn trong con người Viettel: “Tính kỷ luật, ý chí quyết liệt, tinh thần tiên phong”. 10 nhân sự phù hợp nhất được tuyển chọn tham gia dự án là những đồng chí trở về từ thị trường nước ngoài sau khi kinh doanh Viễn thông, những kỹ sư hệ thống xung phong tham gia từ đơn vị khác, … Vậy là 1 BU nhỏ gồm 20 nhân sự (10 HĐLĐ và 10 onsite), thuộc khối Digital, Tổng công ty Viễn thông Viettel được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ công ty Ví thị trường nước ngoài.
Vỏn vẹn 2 dãy bàn làm việc tại văn phòng VTT Giang Văn Minh, nhưng không chỉ phụ trách cả hệ thống và điều hành kinh doanh cho bốn thị trường đã có Ví, mà còn tham gia lên kế hoạch phát triển Ví tại các thị trường còn lại. Tuy nhiên, việc BU chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh Tài chính số và lực lượng nhân sự mỏng là khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này. Đội ngũ hỗ trợ kinh doanh trong BU đều xuất thân từ kinh doanh Viễn thông, một nhân sự phải chuyên quản bốn thị trường, với nhiệm vụ cụ thể là theo dõi số liệu, đại diện báo cáo với Tập đoàn về tình hình kinh doanh, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời. Song song với đó, một nhân sự phụ trách làm kế hoạch mở rộng kinh doanh Ví tại các thị trường nước ngoài còn lại.
Ngoài ra, team Kỹ thuật hầu hết là nhân sự xuất thân từ đơn vị Không gian mạng, tự nguyện xung phong chuyển domain để hỗ trợ thị trường, bao gồm hai nhân sự BA, hai nhân sự Dev và hai nhân sự tester làm hệ thống Ví, trực tiếp nhận phiếu yêu cầu xử lý lỗi, hỗ trợ vận hành core 1.0. Ít ai biết được rằng, đây chính là nền tảng cho những sản phẩm Tài chính số “Made by Viettel” trên thế giới sau này.
Dám thực hiện
Đứng trước khó khăn thiếu thốn về mặt nhân sự, từ cán bộ quản lý đến nhân viên trong BU luôn đồng lòng quyết tâm vừa học vừa làm, chia team nghiên cứu tài liệu học thuật, tìm hiểu theo những case study trên thế giới và học hỏi lẫn nhau. Những buổi hội thảo được tổ chức định kỳ với nhiệm vụ cùng nhau tìm cách làm hiệu quả, cùng nhau phân tích chính sách có lợi. Có những buổi thảo luận được tổ chức, để cùng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng tại thị trường châu Á và châu Phi. Không những thế, hệ thống kỹ thuật cũng được đưa lên làm chủ đề phân tích, để cán bộ nhân viên nhìn ra điểm mạnh và điểm yếu, tìm giải pháp phù hợp nhất với thị trường. Dần dần, quy trình làm việc cũng đã thông suốt, nhân sự phối hợp nhịp nhàng hơn, BU ký được hợp đồng “đầu tay” GSM với Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel, mang lại doanh thu đều đặn cho khối Digital.
Sau 2.5 năm hoạt động, năm 2019, Khối Digital đã tách ra khỏi Tổng công ty Viễn thông Viettel, chính thức trở thành Tổng công ty Dịch vụ số Viettel. BU Thị trường nước ngoài cũng trở thành Phòng Thị trường nước ngoài (TTNN), sau đó sát nhập cùng phòng Hỗ trợ thị trường, nâng tổng số nhân sự lên 40 người. Giờ đây, ngoài hỗ trợ những công việc báo cáo hay theo dõi KPI, phòng TTNN cung cấp thêm tri thức cho các công ty Ví qua những báo cáo chuyên đề, báo cáo R&D về xu hướng Fintech trên thế giới hoặc trực tiếp nghiên cứu khả năng kinh doanh Ví tại những thị trường có nhu cầu. Đồng thời, Phòng TTNN tự tin nhận những phiếu yêu cầu phát triển sản phẩm mới, xây dựng core ví 2.0 chuyên phục vụ Thị trường nước ngoài. Kết quả, tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 thị trường kinh doanh phục vụ Ví đi vào hoạt động.
Trong suốt quá trình phát triển kinh doanh ví điện tử ở nước ngoài, đội ngũ dự án gặp không ít khó khăn, thử thách. Nội chiến ở Burundi hay ở Myanmar đều là những bài toán hóc búa, vượt ngoài sự kiểm soát của tất cả mọi người. Ban lãnh đạo chỉ thị tiếp tục kinh doanh, tuy nhiên việc giữ an toàn là ưu tiên số 1. Những chính sách kinh doanh, những phương thức truyền thông tiếp cận khách hàng phù hợp với hoàn cảnh đều được lên phương án cấp tốc để đề xuất với thị trường.
Sau nhiều lần thay đổi mô hình, phòng Thị trường nước ngoài đã được đổi tên thành Phòng Kinh doanh Quốc tế (P. KDQT), để phù hợp hơn với định hướng lâu dài. Sau một hành trình dài, phòng đã có những thay đổi đáng kể về nhân sự. Chỉ trong vòng 3 năm, 11 đồng chí xuất phát từ phòng KDQT đăng ký và nhận quyết định hỗ trợ trực tiếp tại thị trường theo nhiệm kỳ dài hạn. Cũng trong khoảng thời gian này, 6 đồng chí công tác tại thị trường nước ngoài đã trở về làm việc, tận dụng kinh nghiệm đã tích lũy để đưa thương hiệu Ví điện tử Viettel tiến đến vị trí số 1 trong thị phần lĩnh vực Tài chính số. Có thể nói, KDQT là một ngôi nhà cho những nhân sự chủ chốt cho công ty Ví tại thị trường: Nơi học hỏi, tích luỹ tri thức và trưởng thành, cũng là nơi dang rộng vòng tay đón nhân sự thị trường trở về Việt Nam.
Dám phá vỡ rào cản
Khao khát tự chủ và khẳng định khả năng, phòng KDQT đã chủ động phát triển những sản phẩm phục vụ Kinh doanh Ví dựa trên nhu cầu thực tế và được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hỗ trợ thị trường. Bắt đầu từ xây dựng sản phẩm AML và bán thành công cho thị trường Cambodia, KDQT đã “thừa thắng xông lên”, phát triển thêm những sản phẩm hỗ trợ công ty Ví điều hành kinh doanh như: Agent Management, Merchant Management, hệ thống BI, Loytalty Management, … Không chỉ vậy, phòng KDQT trực tiếp “chào bán” các sản phẩm này tới thị trường, giúp đa dạng nguồn doanh thu cho Tổng công ty. Đặc biệt phải kể đến core ví 3.0 - nền tảng core Ví được coi là sản phẩm trọng tâm của VDS, đã đạt giải Bạc cuộc thi Make in Vietnam vào năm 2023.
Giờ đây, team hỗ trợ Kinh doanh trở thành team Chuyên quản thị trường, nhận những trọng trách giá trị hơn. Không chỉ dừng lại ở công tác hỗ trợ, team đã cùng đồng hành với thị trường trong hành trình Kinh doanh Ví với vai trò tư vấn giải pháp, trực tiếp giải quyết tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tư vấn chiến lược ngắn và dài hạn. Những Squad team liên tục được thành lập để hỗ trợ trực tiếp hoặc từ xa, mỗi năm trung bình có 3 đoàn công tác onsite tại thị trường, trực tiếp áp dụng chiến lược đã được team xây dựng phù hợp với thực tế.
Sau 8 năm đồng hành cùng thị trường nước ngoài, KDQT đã góp phần giúp các công ty ví thị trường hoàn thành vượt kế hoạch, tăng trưởng cao cả về doanh thu và khách hàng. Cụ thể, doanh thu ví thị trường đạt 148% KH năm, thuê bao phát sinh giao dịch tăng trưởng 124% so với KH năm, 4/7 thương hiệu Ví đã đạt vị trí số 1 về thị phần lĩnh vực Tài chính số tại thị trường sở tại.
Vượt qua rào cản, kích hoạt đổi mới
Tháng 3/2024, Phòng KDQT chính thức phát triển thành Trung tâm Kinh doanh Quốc tế, là thành quả sau một hành trình dài nỗ lực, đem lại nguồn doanh thu ổn định về cho Tổng công ty. Từ đây, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế quyết định chuyển dịch từ một đơn vị phát triển và triển khai sản phẩm Tài chính số, cho các công ty Ví điện tử của Viettel tại nước ngoài, thành đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đối tác nước ngoài ngoài Viettel.
Trung tâm Kinh doanh Quốc tế cung cấp 3 sản phẩm chính: Nền tảng core ví, dịch vụ tư vấn pháp lý và dịch vụ tư vấn kinh doanh. Trong đó, tệp khách hàng mục tiêu là những công ty viễn thông muốn mở rộng phạm vi kinh doanh và các tổ chức tài chính như ngân hàng, các công ty fintech, ngân hàng thế hệ mới (neobanks) xây mới hoặc chuyển dịch công nghệ sang xu hướng modern core banking platform. Việc mở rộng tệp khách hàng được coi là thử thách lớn, với sứ mệnh vừa phục vụ những công ty Ví điện tử tại thị trường, vừa hướng tới tham gia thị trường next-gen core banking.
Quyết tâm phát triển theo định hướng, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế đã đại diện Tổng công ty tham gia những hội thảo, triển lãm quốc tế để giới thiệu Hệ sinh thái Tài chính số VDS ra với thế giới, thực hiện sứ mệnh hợp tác Quốc tế trên mọi phương diện: Truyền thông, Kinh doanh, Phát triển sản phẩm…
Từ một BU nhỏ, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế giờ đã trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm hệ sinh thái Tài chính số VDS ra thị trường quốc tế. Đây là hành trình được xây dựng từ khát vọng, quyết tâm, nỗ lực và cả sự dũng cảm phá vỡ rào cản của toàn thể cán bộ nhân viên. Trong tương lai, để tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ, TT. KDQT định hướng mở rộng hơn nữa, chấp nhận những thử thách mới, quyết tâm bứt tốc để phá vỡ rào cản, bằng cả trí tuệ và trái tim.