Trần Hiền Ly đã đăng lúc 08:37 - 17.07.2024
Từ kế hoạch chu toàn…
Chia sẻ với Viettel Family, anh Phạm Doãn Cương, nguyên Phó TGĐ TCT Dịch vụ số Viettel (nay nhận nhiệm vụ mới tại Ngân hàng Quân đội) cho biết VDS đã chủ động triển khai dịch vụ sinh trắc học để đảm bảo an toàn cho người dùng và cũng là cơ hội để chuẩn hóa thông tin khách hàng.
“VDS đã triển khai chính thức từ 1/7 sau quá trình thử nghiệm nội bộ. Chúng tôi không triển khai dồn dập như các ngân hàng mà lựa chọn tệp khách hàng chuyển tiền chạm ngưỡng phải xác thực là giao dịch 10 triệu đồng/lần, hoặc tổng giá trị giao dịch lên mức 20 triệu đồng/ngày. Tệp này chỉ chiếm 10% lượng người dùng Viettel Money, nên quá trình sinh trắc học không gặp vấn đề lớn”, anh Cương cho biết.
Vấn đề gây nhức nhối nhất trong quá trình xác thực sinh trắc học hiện nay là việc giả mạo gương mặt qua công nghệ deepfake để thực hiện giao dịch. Anh Cương cho rằng để đảm bảo tính an toàn, bảo mật, Viettel Money đã triển khi đồng thời nhiều phương thức xác thực khác nhau như kết hợp giữa mật khẩu và xác thực sinh trắc học khuôn mặt, Smart OTP và xác thực sinh trắc học.
Anh Cương cùng VDS chuẩn bị rất kỹ cho quá trình sinh trắc học trên Viettel Money.
“Chúng tôi phối với hợp Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel AI để triển khai công nghệ xác thực bằng khuôn mặt. Công nghệ này tích hợp giải pháp Liveness Check đạt chuẩn ISO 30107:2023 cấp độ 2 do chính người Viettel làm chủ”, anh Phạm Doãn Cương chia sẻ.
Không chỉ có khả năng phát hiện và ngăn chặn các hình thức giả mạo 2D và 3D như mặt nạ giấy, mặt nạ silicon, hình ảnh scan khuôn mặt bằng thiết bị 3D chuyên dụng và video deepfake, Liveness check mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chống giả mạo khuôn mặt.
Liveness Check sử dụng các thuật toán phân tích hình ảnh và video phức tạp để xác định xem một khuôn mặt là của người thật hay là một bản sao giả mạo. Các thuật toán này không chỉ dựa vào các đặc điểm tĩnh của khuôn mặt mà còn phân tích các đặc điểm động như chớp mắt, chuyển động môi và các cử động nhỏ của cơ mặt. Điều này giúp phát hiện các nỗ lực giả mạo sử dụng hình ảnh tĩnh hoặc video.
Ngoài Liveness Check, Viettel Money còn được áp dụng công nghệ Face Matching để so khớp khuôn mặt hiện tại của người dùng với dữ liệu đã được lưu trữ trong hệ thống, không chỉ ngăn chặn các hành vi gian lận mà còn tăng cường độ chính xác trong việc xác thực người dùng.
Để thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc xác thực giao dịch sinh trắc học, khách hàng phải thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học và được đối chiếu với thông tin sinh trắc học đã lưu trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân của Bộ Công an.
Khó khăn nhất trong xây dựng bài toán nghiệp vụ cập nhật thông tin sinh trắc học là việc hướng dẫn cho khách hàng biết cách Tab Chip để máy điện thoại có thể đọc được dữ liệu từ thẻ căn cước công dân, do đây là một hoạt động hoàn toàn mới đối với khách hàng và quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách hàng đã có thẻ căn cước gắn Chip hay chưa, máy điện thoại có tính năng NFC hay không, nếu có thì máy đã bật NFC hay chưa, vị trí đặt NFC ở các model máy cũng khác nhau,…
Để giải quyết vấn đề này, VDS đã phối hợp cùng với Viettel AI xây dựng hệ thống chủ động nhận diện thiết bị sử dụng, cá thể các hướng dẫn khách hàng cách cập nhật thông tin phù hợp với từng Model thiết bị.
Kết quả sau hơn 2 tuần triển khai, việc cập nhật thông tin sinh trắc khách hàng của Viettel Money được đánh giá là tương đối đơn giản và tỷ lệ khách hàng tự cập nhật thông tin thành công trên 85%, trong khi tỷ lệ cập nhật thành công của các ngân hàng qua khảo sát là khoảng 70 - 75%.
Và để tiếp tục năng cao trải nghiệm, đơn giản hóa thủ tục xác thực thông tin khách hàng, VDS đang tiếp tục phối hợp với Viettel AI triển khai thêm phương thức xác thực qua ứng dụng VNeID trong thời gian tới.
… đến chiến lược cho tương lai
Viettel Money hiện có số lượng người dùng sử dụng thường xuyên là 10 triệu, thuộc Top 2 ví điện tử tại Việt Nam. Chia sẻ về ưu thế của Viettel Money với các đối thủ trên thị trường, anh Cương cho biết: “Ưu thế đầu tiên là thương hiệu Viettel. Chúng ta có thương hiệu lớn, uy tín với khách hàng. Thứ hai, chúng ta có hệ thống kênh phân phối đến 63 tỉnh/thành cùng lực lượng tư vấn trực tiếp hùng hậu, nhiệt huyết. Đây là lợi thế hiếm đối thủ nào có được”.
Nguyên Phó TGĐ của VDS khẳng định dư địa cho phát triển ví điện tử và thanh toán số tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường phổ cập QR chuyển tiền VietQR, kết hợp chính sách chuyển tiền miễn phí của Ngân hàng thì việc phát triển khách hàng chỉ để cung cấp các dịch vụ về chuyển tiền, thanh toán, thu hộ đã qua.
Theo anh Cương, Viettel Money có nhiều lợi thế hơn các ví điện tử khác.
Do đó, chiến lược trong giai đoạn tới của Viettel Money không chỉ là đẩy mạnh phát triển tài khoản, mà tập trung đa dạng hóa dịch vụ, dùng dịch vụ thu hút khách hàng. VDS sẽ tập trung kết nối toàn diện các lĩnh vực, đối tác thanh toán, đi lại, giải trí, mua bán hàng ngày của người dân, đồng thời mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính số như cho vay, gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, bảo hiểm,…
VDS sẽ tăng cường áp dụng các công nghệ về AI, phân tích dữ liệu trong công tác xây dựng chính sách, sản phẩm, bán hàng để có thể tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ phù hợp theo nhu cầu cá thể hóa của từng khách hàng.
Đồng thời, ứng dụng Viettel Money sẽ được đa dạng hóa nguồn tiền thanh toán. Ngoài tài khoản Viettel Pay và Mobile Money thì khách hàng có thể lựa chọn thanh toán trực tiếp từ thẻ ATM, tài khoản ngân hàng liên kết, tài khoản ví trả sau,…
Trong 6 tháng cuối năm 2024, VDS đặt mục tiêu hoàn thành tất các các chỉ tiêu thách thức về doanh thu và thuê bao mà Tập đoàn giao, đồng thời kết hợp thực hiện cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin khách hàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.