Trần Thị Minh Hằng đã đăng lúc 16:27 - 22.04.2025
Ngày 17/04/2025, VDS đã chủ trì hội thảo "Ví điện tử 2025: Không gian mới cho phát triển ví điện tử tại các thị trường nước ngoài" với sự tham gia của PTGĐ VTG Hà Thế Dương, và đại diện của 8 thị trường nước ngoài nơi Viettel đang triển khai ví điện tử.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh dịch vụ ví điện tử của Viettel tại nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức và cần tái định vị chiến lược để duy trì tăng trưởng. Đây là cơ hội để hệ sinh thái Viettel cùng đánh giá và định hình hướng đi mới, mở rộng thị phần và tạo dấu ấn trên bản đồ tài chính số toàn cầu giai đoạn 2025-2030.
Bức tranh thị trường: Thách thức và cơ hội mới
Tại nhiều thị trường nước ngoài, dịch vụ ví điện tử của Viettel đã đạt mức độ phủ sóng rộng và chiếm vị thế nhất định. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ đối thủ nội địa và quốc tế đang làm bộc lộ những giới hạn trong mô hình kinh doanh hiện tại.
Dịch vụ ví điện tử vẫn phụ thuộc nhiều vào hai trụ cột: chuyển tiền và thanh toán tiêu dùng, dẫn đến thiếu đa dạng về nguồn doanh thu. Trong khi đó, các đối thủ đang đầu tư mạnh vào các mô hình tích hợp như ngân hàng số, dịch vụ tài chính toàn diện, tiền điện tử và công nghệ blockchain.
Nếu không có sự chuyển mình kịp thời, dịch vụ và công nghệ ví điện tử của Viettel có nguy cơ trở nên lạc hậu. Hiện tại, một số thị trường đã bắt đầu có những động thái chuyển hướng: Timor Leste đang xúc tiến xin giấy phép kinh doanh ngân hàng số, trong khi Campuchia đang nghiên cứu phát triển tiền điện tử.
Khai phá không gian mới: Định hướng chiến lược đột phá
Hội thảo đặt mục tiêu đánh giá toàn cảnh hệ sinh thái tài chính số tại các quốc gia Viettel đang đầu tư. Qua đó, làm rõ nhu cầu thực tế và hành vi tài chính số của người dân, đồng thời xác định các "khoảng trống" còn bỏ ngỏ trong thị trường.
Đây chính là "không gian mới" - nơi Viettel có thể phát triển các mô hình ví điện tử mang tính tích hợp, sát với thực tế và thói quen người dùng bản địa.
Bài học từ những mô hình thành công như F1Soft (Nepal) - nơi ví điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày - là kinh nghiệm quý báu để Viettel từng bước xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, gắn liền với các nhu cầu thiết yếu như tiết kiệm, đầu tư, tín dụng vi mô, bảo hiểm số và các dịch vụ khác.
Những góc nhìn đột phá từ chuyên gia
Đại diện Trung tâm Kinh doanh Quốc tế VDS mở đầu hội thảo với phân tích sâu sắc về xu hướng chuyển dịch của thị trường ví điện tử toàn cầu. VDS nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát hiện và khai phá "khoảng trống dịch vụ" - nơi Viettel có thể tạo ra sự khác biệt và dẫn đầu, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển bền vững.
Đồng chí Đỗ Mạnh Dũng - Phó Tổng Giám đốc VDS - đề xuất chiến lược đột phá với việc mở rộng sang lĩnh vực mới tại các thị trường tiềm năng, thông qua ba phương án: Chuyển mạch bù trừ, tài sản điện tử và ngân hàng số. PTGĐ VDS đánh giá với sự biến động của thị trường và tiềm năng liên quan đến nhu cầu và khẩu vị của người dùng, ba hướng đi này có thể là mảnh đất màu mỡ để các thị trường nghiên cứu, lựa chọn áp dụng.
Theo PTGĐ VDS Đỗ Mạnh Dũng, với lộ trình cụ thể và phù hợp, Viettel có thể chủ động chuyển mình từ nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử đơn thuần sang vai trò người tiên phong trong hệ sinh thái tài chính toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng trong kỷ nguyên số.
Đồng chí Nguyễn Anh Quân - PGĐ Trung tâm Công nghệ VDS lại chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng từ mô hình thành công tại Nepal, nơi dịch vụ ví điện tử đã vượt qua giới hạn thanh toán thông thường để trở thành người bạn đồng hành trong mọi hoạt động tài chính hàng ngày của người dân, từ đóng học phí, nộp thuế, thanh toán điện nước đến vay vốn tiêu dùng và nhiều dịch vụ thiết yếu khác.
Diễn đàn chia sẻ: Tiếng nói từ thị trường
Phiên tọa đàm sôi động dưới sự dẫn dắt của PTGĐ VDS Đỗ Mạnh Dũng, PTGĐ VTG Hà Thế Dương, Trưởng phòng Chiến lược VDS, PGĐ trung tâm Công nghệ VDS và GĐ trung tâm Kinh doanh Quốc tế VDS. Tại đây, đại diện các thị trường đã mang đến những góc nhìn đa chiều, đặt câu hỏi thẳng thắn và đề xuất nhiều ý kiến gợi mở cao như khả năng thử nghiệm nghiệm tiền số tại thị trường, hay các chiến lược đột phá phù hợp với bối cảnh địa phương.
Đ/c Bùi Thanh Phong đại diện U-money chia sẻ về tình hình thể chế tiền số của Campuchia đã sớm đi trước Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã ra thông tư cho phép các đơn vị mở ra kinh doanh dịch vụ này. Đ.c có đề xuất VDS cùng tham gia với eMoney nghiên cứu tính khả thi để triển khai tại Campuchia.
Về phía thị trường Burundi, đ/c Nguyễn Hữu Thảo Thuận có nhiều chia sẻ về sự tăng trưởng của ví Lumicash - lợi nhuận sau thuế đạt 216tr$ tăng > 200% TH 2024, chiếm 90% thị phần ví tại Burundi. Định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào các dịch vụ Betting, ngân hàng số, cho vay, chuyển mạch tài chính quốc gia…, thị trường mong muốn sớm được áp dụng cho hệ thống core ví 3 của VDS cho ví Lumicash.
Mọi ý kiến đều được lắng nghe, phản hồi và ghi nhận để đưa vào kế hoạch hành động sau hội thảo, hướng tới sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Khởi đầu kỷ nguyên mới: Tầm nhìn 2030
Hội thảo "Ví điện tử 2025" không chỉ là nơi chia sẻ chiến lược mà còn là điểm khởi đầu cho kỷ nguyên phát triển mới - nơi các thị trường cùng đồng hành, đồng bộ về tầm nhìn và cách tiếp cận trong hành trình chinh phục thị trường tài chính số.
Với sự tham gia chủ động và đầy nhiệt huyết từ các đơn vị quốc tế, hội thảo đã mở ra những con đường đầy tiềm năng, giúp Viettel không chỉ giữ vững mà còn mở rộng vị thế trong lĩnh vực tài chính số toàn cầu. Từ đây, dịch vụ ví điện tử của Viettel sẽ vượt qua giới hạn của một công cụ thanh toán đơn thuần, để trở thành người bạn đồng hành tài chính toàn diện, đáng tin cậy cho người dân tại mọi quốc gia mà Viettel đang hiện diện.